“Đòi nợ” luật biển

Tác giả: Lan Anh

Chủ nhiệm Ủy ban An ninh Quốc phòng của Quốc hội, ông Lê Quang Bình cho rằng, để bảo vệ an toàn cho ngư dân, Quốc hội không thể trù trừ mãi việc thông qua luật biển, không thể cứ vin lí do tế nhị mà gác lại.

>> Nghị trường không còn đóng cửa bảo nhau
>> “Lập dân quân tự vệ biển để giữ chủ quyền biển đảo”

ĐBQH cần được thông tin chính xác về tình hình Biển Đông

Thưa ông, vì sao những vấn đề nóng liên quan trực tiếp đến đời sống  người dân, an ninh quốc gia như chủ quyền biển đảo, an toàn cho mạng sống ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ… vẫn chưa được đưa vào nghị trình chính thức tại kỳ họp QH lần này?

Vấn đề này nhạy cảm vì liên quan đến an ninh quốc gia và đối ngoại. Dân ta cũng hiểu biết và được sự đồng thuận nhưng vì tôn trọng ý kiến lãnh đạo và tập thể nên thôi. Tiếp tục đọc

Chín ngư đã trở về đất liền

Đúng 10h trưa ngày 26-10, tàu CSB 60069 đã lai dắt thành công ngư dân trên tàu QNg 66478 cập cảng Dung Quất (Quảng Ngãi) trong niềm hân hoan của người thân và lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, huyện Lý Sơn.

Các ngư dân trên tàu cá QNg 66478 TS chuẩn bị vào tới đất liền.
Các ngư dân trên tàu cá QNg 66478 TS chuẩn bị vào đất liền.

Tiếp tục đọc

‘Sói biển’ Mai Phụng Lưu

Con tàu giông bão của thuyền trưởng Mai Phụng Lưu cùng 8 ngư dân quả cảm Lý Sơn (Quảng Ngãi) bị mất tích trên đường trở về từ Hoàng Sa khiến cả nước bồn chồn suốt mấy ngày qua. Ba lần đi đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa bị Trung Quốc bắt, ba lần anh mệt mỏi trở về, nhưng vẫn không sợ. Không phải vô cớ anh được mệnh danh “Sói biển”.

Anh Mai Phụng Lưu trên con tàu QNg-66478 TS trở về từ tháng 4/2010. Ảnh: Nam Cường
Anh Mai Phụng Lưu trên con tàu QNg-66478 TS trở về từ tháng 4/2010. Ảnh: Nam Cường.

Tiếp tục đọc

Cuộc gọi từ Hoàng Sa

11g50 ngày 16-10, chín ngư dân Lý Sơn đã liên lạc với gia đình. Sau khi được thả, họ lại gặp nạn trên đường về, rồi phải trở lại quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam…

Lúc 11g50 ngày 16-10, chín ngư dân Lý Sơn trên tàu QNg-66478 TS của thuyền trưởng Mai Phụng Lưu (thôn Tây, An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi) sau nhiều ngày mất liên lạc trên biển đã kết nối thông tin về với gia đình. Nhận tin vui, thôn Tây rộn ràng hạnh phúc, người dân huyện đảo Lý Sơn thở phào nhẹ nhõm.

Từ số điện thoại do cha gọi về, Mai Thị Bích Huệ – con gái thuyền trưởng Mai Phụng Lưu – đã cố gắng liên lạc tới Hoàng Sa tìm gặp cha – Ảnh: H.T.V.

Tiếp tục đọc

PHONG CÁCH HAY Ý THỨC LÃNH TỤ?

Tôi tin nếu 9 ngư dân kia là công dân của nước Mỹ, cựu Tổng thống Bill Clinton sẽ tức tốc bay sang Bắc Kinh như năm rồi ông bay sang Bắc Hàn giải cứu 2 công nhân Mỹ bị bắt giữ. Tôi tin nếu 9 ngư dân kia là công dân của nước Nga, ông Pu-tin sẽ tức tốc lái ca-nô lao ra biển

Trương Duy Nhất

Tôi dự nhiều cuộc thả ngư dân Trung Quốc sau khi bị Việt Nam bắt giữ vì xâm phạm lãnh hải. Tôi cũng dự không ít cuộc trao ngư dân Trung Quốc (và cả ngư dân thuộc nhiều quốc gia khác) bị nạn trên vùng biển Việt Nam. Tất cả những cuộc thả- trao đều được báo chí, truyền hình quay phim chụp ảnh, tuyên truyền ỏm tỏi, đều có quan chức sứ quán các nước tới dự. Ngư dân được chăm sóc sức khỏe, được thăm nom, ăn uống, thậm chí nhậu nhoẹt, hát hò, được quan tâm, ưu đãi hơn cả ngư dân nhà mình. Lúc về, lại được xếp hàng ôm hôn, tặng hoa, thuốc bổ, lại bê khiêng cả thùng sữa to đùng xuống tàu, cười híp cả mắt.

Tôi chưa thấy một cuộc trao- thả nào mà chính quyền lẳng lặng đẩy ngư dân người ta ra biển. Sự ác độc, dã man từ phía thả. Nhưng Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đâu, họ ở đâu, làm gì trong lúc đó? Thái độ thờ ơ, ghẻ lạnh và phó mặc trước số phận của những công dân mình đến như vậy sao?

Chỉ duy nhất một người thợ quốc tịch Bolivia, nhưng Tổng thống Bolivia Evo Morales đã tức tốc bay sang Chile để chờ đón. Ngay sau khi kết thúc chiến dịch giải cứu 33 thợ mỏ, Tổng thống Chile Sebastian Pinera không hề nói “nhờ đảng ơn chính phủ”, ngược lại, ông cảm ơn những người thợ mỏ anh hùng đã dạy cho những người trên mặt đất, cho chính phủ và cho chính bản thân ngài Tổng thống về tinh thần đoàn kết và nghị lực phi thường của con người.

Nhìn hai vị Tổng thống Bolivia và Chile nhào đến ôm chầm từng công dân của mình ngay từ giây phút đầu tiên họ vừa được kéo chui lên khỏi mặt đất mà giật mình… xấu hổ! 9 ngư dân Việt vẫn biệt tăm sau một tuần được phía Trung Quốc loan tin là “đã thả xong”. Bây giờ họ sống hay chết, trôi dạt nơi đâu giữa biển trời mênh mông, tít mù và giông bão?

Tôi tin nếu 9 ngư dân kia là công dân của nước Mỹ, cựu Tổng thống Bill Clinton sẽ tức tốc bay sang Bắc Kinh như năm rồi ông bay sang Bắc Hàn giải cứu 2 công nhân Mỹ bị bắt giữ. Tôi tin nếu 9 ngư dân kia là công dân của nước Nga, ông Pu-tin sẽ tức tốc lái ca-nô lao ra biển.

VietNamnet sáng nay có bài gọi sự khác biệt đó là phong cách lãnh đạo. Tôi thấy câu chuyện không chỉ giản đơn là ở cái phong cách, mà cao hơn đó là: ý thức lãnh tụ.

Rất nhiều lần rồi, tôi đã chạy câu này: Ta luôn kêu gào quá nhiều ở ý thức công dân, nhưng đã khi nào giật mình hỏi ngược ở ý thức lãnh tụ ? Trong những thời khắc đó anh ở đâu, làm gì, hành xử ra sao, thậm chí phải “diễn” thế nào?

Bài học vỡ lòng về cách ứng xử và ý thức lãnh tụ còn quá nhiều vị chưa thuộc.

(Nguồn: Blog Trương Duy Nhất)

GIỜ ANH Ở NƠI ĐÂU?

Thân tặng những người mẹ, người vợ của ngư dân – đã và đang đợi con, đợi chồng về

  • Trần Minh Quân

Anh ở đâu giữa muôn trùng sóng biển?

Nơi quê nhà em vẫn nhớ triền miên

Ôm con thơ nơi tổ quốc thiêng liêng

Mòn mỏi ngóng trông về nơi xa thẳm

Anh ở đâu giữa mưa đêm, gió lạnh?

Giữa bốn bề xa tít mù khơi

Để nơi này bao nỗi nhớ đầy vơi

Muốn vỡ tan hòa vào con sóng vỗ

Anh đã đi qua nhiều cơn bão tố

Đã bước qua nhiều đảo đá san hô

Chân đạp lên từng đợt sóng nhấp nhô

Tay kéo lưới cho khoang thêm đầy cá

Anh đã đi giữa muôn trùng biển cả

Ôm vào lòng bao yêu dấu Hoàng Sa

Yêu vô cùng! Ôi tổ quốc của ta!

Biển rộng, sông dài Việt Nam ta đó.

Anh ra đi lòng vẫn nhớ về xóm nhỏ

Nhớ vợ hiền, lẫn nỗi nhớ con thơ

Nhưng anh phải đi,  vì mang nặng ước mơ

Đâu xá chi những hiểm nguy cách trở

Nay anh đi, vẫn đi tìm luồng cá

Sóng gió bao ngày anh đã vượt qua

Nhưng đêm nay. Ôi vô tình “tàu lạ”!

Họ bắt anh rồi. Giờ anh ở nơi đâu?

Để bao ngày mãi trông ngóng tin nhau

Bao nhiêu đêm em thức trắng canh thâu

Mưa gió bão bùng, em như hóa đá

Như Tô Thị chờ chồng, chờ mãi giữa khơi xa.

Anh ở đâu? Anh hởi, anh ở đâu?

Hòn vọng phu thời hiện đại

Khi xưa, thời binh đao, khói lửa, những người đàn ông đã ra đi theo tiếng gọi của giang sơn, của tổ quốc. Họ đã ra đi, để lại sau lưng quê hương yêu dấu, nơi ấy có người mẹ, người vợ hiền đang bồng bế con mòn mỏi ngóng chờ.

Hình ảnh người vợ ôm con đứng chờ chồng trong bài hát Hòn Vọng Phu của Lê Thương năm xưa đã trở thành bất tử:

Người vọng phu trong lúc gió mưa

Bế con đã hoài công để đứng chờ

Ngày nay, ngày của những thanh bình, hạnh phúc, vẫn có những người vợ đang mỏi mòn ngóng tin chồng sau mỗi chuyến đi làm ăn xa ngoài biển khơi. Những người chồng, người cha hôm nay vì cuộc sống mưu sinh, họ mãi mê tìm nguồn cá trên chính quê hương của mình mà không biết những hiểm nguy đang cận kề. Thật không may, họ đã bị “tàu lạ” bắt, “nước lạ” đòi tiền chuộc mới được thả về. Sau đó được tin “nước lạ” thả về vô điều kiện đã mấy ngày hôm nay. Vậy mà, đợi hoài, đợi mãi vẫn chưa thấy chồng về.

Hình ảnh những người vợ ngồi bên khung cửa, mắt luôn dõi về hướng chồng đã ra đi, ngóng trông, mòn mỏi, nước mắt đã cạn vì đợi chờ. Họ như hóa đá, hóa đá chờ chồng. Họ là Hòn Vọng Phu thời hiện đại.

Người chồng đi đã bao năm chưa thấy về

Đá mòn nhưng hồn chưa mòn giấc mơ

Đã hơn một lần như thế, người vợ đã tiễn chồng ra đi và đứng đợi chồng về trong vô vọng. Có người đã ra đi mãi mãi không về. Bão giông đã giữ chàng ở lại ngoài khơi xa, bỏ lại người vợ hiền với con thơ đứng chờ, trông ngóng. Người vợ không biết nhắn gởi cùng ai, đành nhờ gió, nhờ sóng biển khơi:

Có ai xuôi vạn lý nhắn đôi câu giúp nàng,

Lấy cây hương thật quý, thắp lên thương tiếc chàng.

Nhưng tin vui đã đến, báo chí trong nước đồng loạt đưa tin về những ngư dân được thả. Nhưng lại tự hỏi: sao chưa thấy về?

Câu hỏi đưa ra nhưng không ai có câu trả lời. Những người vợ – Người Vọng Phu hiện đại vẫn đứng đó ôm con ngóng trông, chờ chồng:

Nàng đứng ôm con, xem chàng về hay chưa? Về hay chưa?


33 thợ mỏ và 9 ngư dân

33 – đó là số thợ mỏ ở Chile bị mắc kẹt dưới lòng đất kể từ vụ sập hầm mỏ vàng và đồng ở San Jose hơn hai tháng qua! Không ai dám tin họ sẽ sống sót khi bị vùi lấp ở độ sâu 700m. Nhưng hôm qua, những thợ mỏ đầu tiên đã trở về từ cõi chết trong vòng tay yêu thương của gia đình và tiếng hò reo mừng rỡ của hàng triệu người dân đất nước Chile!

Càng xúc động hơn khi trong số những công nhân ấy, dù chỉ duy nhất một thợ mỏ có quốc tịch Bolivia, nhưng chính tổng thống nước này cũng bay tới San Jose để chờ đón công dân của mình!

Hôm qua, hàng triệu người trên thế giới đã ngồi trước màn hình để xem trực tiếp cuộc giải cứu chưa từng có trong lịch sử từ các kênh truyền hình lớn. Một cuộc giải cứu khiến người ta xúc động và ấn tượng hơn bất cứ thước phim hành động nào của Hollywood! Tiếp tục đọc

Trung Quốc thả ngư dân Việt

Tàu cá Quảng Ngãi từng bị Trung Quốc bắt (ảnh VnExpress)

Trước thềm hội nghị ADMM+, Trung Quốc đã trả tự do cho chín ngư dân Việt mà nước này bắt giữ hồi tháng Chín gần Hoàng Sa.

Hãng thông tấn Associated Press cho hay thông tin này được Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đưa ra bên lề hội nghị hẹp giữa các quan chức quốc phòng Asean và đối tác hôm thứ Hai.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc ‘thả ngay và vô điều kiện’ các ngư dân Việt Nam.

Không biết đây có phải cử chỉ nhượng bộ bày tỏ thiện ý của Bắc Kinh trước hội nghị bộ trưởng quốc phòng mở rộng lần đầu tiên tại Hà Nội hay không.

Chín ngư dân nói ở trên là của tàu cá Quảng Ngãi số hiệu QNg 66478TS, bị Trung Quốc bắt từ hôm 11/09 tại vùng biển Hoàng Sa.

Phía Trung Quốc giải thích rằng “tàu cá QNg 66478TS đã sử dụng thuốc nổ để đánh bắt cá nên các cơ quan chức năng của phía Trung Quốc quyết định xử phạt và sau khi nộp phạt, phía Trung Quốc sẽ thả tàu và ngư dân”. Tiếp tục đọc

Quảng Ngãi: 8 ngư dân mất tích có khả năng đã chết

Tại bãi biển Phước Thiện, hai ngày qua, nhiều người dân và thân nhân của 8 ngư dân xấu số vẫn ra ngóng trông tin tức, song tất cả như vô vọng bởi gió càng mạnh, sóng càng lúc càng lớn.

TIN LIÊN QUAN:

Đến chiều 26/3, 8 ngư dân trên tàu đánh cá mang ký hiệu QNg – B017 TS của ông Phạm Văn Quang ở xóm 1, thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, Bình Sơn vẫn biệt vô âm tín. Theo nhiều ngư dân thì khả năng sống sót của tàu đánh cá trên là không thể, bởi sóng to, kèm mưa và lạnh, trong khi tàu chỉ có công suất nhỏ 16CV.

Bãi biển Phước Thiện sóng mỗi lúc một mạnh…

Điều đáng nói, 8 ngư dân bị mất tích phần lớn là người thân trong gia đình; như gia đình của ông Phạm Văn Quang (chủ tàu) có 5 người gồm ông Quang, con ruột là Phạm Văn Nam (1985), con rể là Huỳnh Văn Thi, hai con cậu phía vợ là Lê Thanh Bình và Lê Thanh Long (đây cũng hai anh em ruột).

Trong căn nhà nhỏ của ông Phạm Văn Quang (chủ tàu), cạnh bãi biển thuộc làng chài thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, không khí đau thương bao trùm căn nhà nhỏ. Bà Ngô Thị Vân (vợ chủ tàu) hầu như nằm bất động từ khi tin chồng và con mình bị nạn.

Chị Phạm Thị Hà vật vã khi nghe tin cả bố ruột, chồng và đứa em ruột bị nạn trên biển.

Chị Phạm Thị Hà, con chủ tàu vật vã dưới nền nhà. Chị xỉu lên, xỉu xuống nhiều lần, bà con hàng xóm phải luôn bên cạnh để động viên, an ủi và không ai cầm nổi nước mắt.

Theo anh Võ Văn Phấn – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải thì tàu QNg-B017 TS của ông Phạm Văn Quang làm nghề lưới túi, xuất bến lúc 4 giờ sáng ngày 24/3. Đây là tàu đánh bắt gần bờ sáng đi chiều về. Đến khoảng 12 giờ cùng ngày thì tàu bị chết máy tại 15 độ vĩ bắc và 109 độ kinh đông, sau đó chủ tàu có gọi điện bằng máy liên lạc ICOM về gia đình nhờ gọi tàu ra cứu vì lúc này sóng và gió rất to.

Nhiều người ra bãi biển ngóng tin chiếc tàu cùng tám ngư dân xấu số trong vô vọng..

Nhận được điện cầu cứu, hai tàu của ngư dân trong thôn đã chạy ra ứng cứu, nhưng ra biển được khoảng 3 hải lý phải quay về do sóng quá lớn. Đến 14 giờ thì tàu QNg-B017 bị mất liên lạc hoàn toàn.

Anh Tiêu Viết Thanh – Thôn trưởng thôn Phước Thiện cũng là người có đứa em vợ đi trên chiếc tàu mất tích trên cho biết, 8 ngư dân trên tàu đều có hoàn cảnh khó khăn, trong đó phần lớn là những người còn rất trẻ chỉ sinh năm 1985, song vì mưu sinh họ phải vươn ra biển.

Trong những người bị mất tích có gia đình anh Lê Thanh Bình. Hoàn cảnh anh rất khó khăn, nhà cửa không có phải ở nhờ người thân. Anh có 3 con nhỏ, đứa lớn nhất chỉ 7 tuổi, đứa thứ hai 5 tuổi và đứa nhỏ nhất 3 tuổi. Trong khi vợ anh không có việc làm và mọi thứ đều phụ thuộc vào những đồng tiền ít ỏi mà anh kiếm được từ đi biển.

  • Minh Bảo (VNN)