Hai chữ “đi tù” trong hộ khẩu

Án tích đã được xóa từ lâu – xem như chưa bị kết án, nhưng trong hộ khẩu vẫn còn ghi hai chữ “đi tù” khiến nhiều người gặp trở ngại trên đường hoàn lương.

Trang hộ khẩu của ông T. với phần ghi chú: “đi tù” – Ảnh: Đức Tuyên

Một lá thư của bạn đọc gửi về tòa soạn bức xúc: “Trong lúc đi thi hành án thì tôi bị cắt hộ khẩu và ghi trong hộ khẩu là “đi tù”. Khi chấp hành án xong, tôi về địa phương nhập lại hộ khẩu, hai chữ “đi tù” vẫn còn nguyên trong đó, kể cả bây giờ khi tôi đã được xóa án tích. Tôi không làm sao xin được việc làm khi nộp đơn xin việc kèm theo sổ hộ khẩu này”. Tiếp tục đọc

Không phải cứ “gán mác” là thành xã hội chủ nghĩa!

Tác giả: Đoàn Tiểu Long

Không phải cứ quốc hữu hóa tư liệu sản xuất là quan hệ sở hữu đương nhiên trở thành XHCN, không phải cứ doanh nghiệp Nhà nước là mang tính chất XHCN.

LTS: Sau đề xuất của TS Phạm Duy Nghĩa và nhóm nghiên cứu về việc xóa bỏ sở hữu toàn dân, thay thế bằng các khái niệm khác, Tuần Việt Nam nhận được nhiều ý kiến chia sẻ, thảo luận làm rõ thêm về vấn đề sở hữu toàn dân.

Trên tinh thần tôn trọng tính thông tin đa chiều và không khí tranh luận cởi mở, Tuần Việt Nam giới thiệu góc nhìn riêng của tác giả Đoàn Tiểu Long để bạn đọc cùng tham khảo và tranh luận thêm.

“Công thổ quốc gia” hay sự “sáng tạo” kì quặc về sở hữu?

“Không của ai” không có nghĩa là “không của ai”!

Đề tài sở hữu toàn dân đang được nhiều chuyên gia bàn luận, và có một số ý kiến đề nghị từ bỏ khái niệm này, vì theo họ nó không chỉ có vẻ hàm hồ, mà còn là cơ sở cho nạn tham nhũng công sản. Thay vào đó, nên dùng một khái niệm khác mang tính pháp lý rạch ròi hơn, ví dụ như “sở hữu quốc gia”, nhờ đó có thể minh định chủ thể sở hữu của các tài sản đó là ai, chứ không còn cái chủ thể mơ hồ “toàn dân” như trước. Bởi vì “sở hữu toàn dân” suy cho cùng là “không của ai cả” – một chuyên gia tuyên bố thẳng thắn như vậy

Có thực “sở hữu toàn dân” là “không của ai cả” không?

Để có thể nắm được một vấn đề ở tầm vĩ mô thế này, có lẽ trước hết nên xem xét vấn đề ở tầm vi mô – tầm một tổ chức, một doanh nghiệp chẳng hạn.

Nếu hỏi một nhân viên bất kỳ đang ngồi làm việc, cái bàn này có phải của anh không? – câu trả lời hiển nhiên là “Không”. Tôi có quyền sử dụng, nhưng nó không phải là của tôi. Hỏi tất cả nhân viên công ty, câu trả lời đều giống y như vậy. Hỏi người ngoài công ty, câu trả lời cũng thế nốt. Như vậy, chiếc bàn đó dường như “không của ai cả”.

Không của ai cả, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không của ai hết. Bạn cứ thử đến khênh chiếc bàn đó đi, biết liền là nó có thực “không của ai cả” không!

Ai cũng biết chiếc bàn đó thuộc về ai: nó là tài sản của công ty. Khi ta nói rằng chiếc bàn “không của ai cả” thì “ai” đó ở đây là một thể nhân riêng lẻ, một con người bằng xương bằng thịt. Nhưng công ty không phải là một thể nhân, mà là một pháp nhân, và pháp luật công nhận quyền sở hữu của nó đối với các tài sản “của nó“.

Tiếp tục đọc

Việc nước mà dân không biết thì không thể dân chủ được

“Công việc của đất nước mà lọt vào tay một số người nào đó, người dân không biết gì cả thì không thể dân chủ được. Dân chủ là người dân được hưởng quyền tự do dân chủ nhưng đồng thời một trong những quyền đó là quyền tham gia vào những công việc của xã hội, tham gia quyết định công việc xã hội”, nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc nói tại bàn tròn trực tuyến.

>> Phần 1

LTS: Nhân kỉ niệm 65 năm Quốc khánh, Tuần Việt Nam trích thuật tiếp phần 2 nội dung bàn tròn trực tuyến với nguyên Bộ trưởng Tư pháp, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Lộc như một suy ngẫm, góc nhìn đáng tham khảo về những bước đi của Đất nước – Dân tộc trên con đường hiện thực hóa những tư tưởng và mục tiêu cao đẹp về một Việt Nam Dân chủ – Độc lập – Tự do – Hạnh phúc mà Bác Hồ đã long trọng tuyên bố trước muôn triệu người dân cũng như bạn bè thế giới sáu mươi lăm năm về trước.

Như ông Nguyễn Đình Lộc nhiều lần nhấn mạnh, những góc nhìn của ông có thể đôi chỗ “khó nghe” hoặc cần phải tranh luận thêm, nhưng ông cũng mạnh dạn đưa ra, với tư cách một người gắn bó máu thịt với chế độ này, như một sự xới xáo vấn đề một cách nghiêm túc, trên tinh thần tôn trọng ý kiến khác biệt mà Đảng luôn kêu gọi.

Phải đổi mới căn bản cơ chế bầu cử hiện nay

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ông cho rằng chúng ta phải hiểu đúng và phải thực thi dân chủ, phải làm dân chủ một cách thực chất, vậy theo ông chúng ta phải thực thi bằng cách nào, và bắt đầu từ đâu?

Ông Nguyễn Đình Lộc: Khi nói đến dân chủ, trước hết là nói đến những quyền tự do dân chủ của người dân.

Hẳn nhiều người còn nhớ, ngày mồng 3/9 khi chính phủ đầu tiên họp, Bác Hồ đã nêu những nhiệm vụ cần làm ngay, trong đó có một ý rằng phải có một Hiến pháp, nhưng nhiều người lại chưa chú ý rằng Bác không nói Hiến pháp nói chung mà Bác đã nói rất kỹ rằng: “Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”. Cái chữ dân chủ là cơ bản.

Sau đó chính Bác là người tổ chức xây dựng Hiến pháp mới, Hiến pháp đầu tiên của nước ta, và xét về quyền tự do dân chủ của dân, thì Hiến pháp 46 cho đến giờ là một mẫu mực. Có thể nói bất cứ quyền gì mà trình độ tiến bộ thế giới về mặt dân chủ lúc bấy giờ người dân có thể được hưởng thì Hiến pháp 46 đều quy định, không thiếu quyền gì.

Bây giờ, chúng ta cứ nói nhiều đến Hiến pháp 46, một trong những lý do cơ sở cũng là vì đó là lần đầu tiên VN có Hiến pháp, mà Hiến pháp đó lại có nội dung về mặt dân chủ rất hoàn chỉnh, rất đầy đủ quyền tự do dân chủ của người dân.

Nhưng nói dân chủ thì không đơn thuần là những quyền như thế mà còn là mối quan hệ giữa nhà nước với người dân. Cơ chế người dân hưởng quyền dân chủ, đồng thời còn có thể tham gia vào việc quyết định công việc của đất nước. Vấn đề này rất cơ bản. Công việc của đất nước mà lọt vào tay một số người nào đó, người dân không biết gì cả thì không thể dân chủ được. Dân chủ là người dân được hưởng quyền tự do dân chủ nhưng đồng thời một trong những quyền đó là quyền tham gia vào những công việc của xã hội, tham gia quyết định công việc xã hội.

Nhưng, chúng ta có hơn 86 triệu dân, hoặc như Trung Quốc hơn 1,3 tỷ dân, nếu nói rằng người dân có quyền giải quyết, quyết định công việc đất nước, nhưng 86 triệu hay 1,3 tỷ dân như vậy thì giải quyết thế nào? Cho nên chúng ta phải có cái gọi là dân chủ đại diện, tức là người dân để thực hiện quyền quyết định công việc đất nước của mình chọn ra một số người, bầu ra một số người, giao quyền quyết định cho họ, từ đó mới có chế độ đại diện và mới có Quốc hội. Quốc hội chính là cơ quan thay mặt cho dân, được dân chọn ra và thay mặt cho dân quyết định công việc đất nước. Tức là quyền vẫn là quyền của dân chứ không phải quyền của đại biểu.

Lâu nay, người ta nói Hiến pháp hiện hành của chúng ta có vấn đề vướng, ví dụ nói “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”. Nói như thế đúng quá! Nhưng vấn đề là có quyền lực rồi thì anh làm gì, anh thực hiện quyền lực đó như thế nào? Chúng ta vẫn nói rằng là tất cả quyền lực thuộc về nhân dân nhưng thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Nói 2 câu ấy cũng đúng! Nhưng thực chất như thế nào?

Vấn đề rất lớn hiện nay chúng ta phải giải quyết, theo tôi hiểu, đó chính là làm thế nào cho chế độ đại diện bầu cử phải thực sự trở thành cơ chế thực sự dân chủ, mặt này chúng ta làm được còn nhiều hạn chế. Chuyện này tôi đã nói ở nhiều nơi, nhưng hôm nay, tại đây, tôi nói chính thức rằng nếu không cẩn thận thì chính chúng ta đang chơi trò chơi dân chủ. Vì sao?

Tôi đã 75 tuổi rồi, đi bầu cử rất nhiều lần, đã thấy chúng ta bầu Quốc hội như thế nào? Đến ngày bầu cử, chúng ta vào phòng bỏ phiếu; chúng ta được xem một danh sách ứng cử viên; chúng ta cũng đọc lý lịch ông này, bà kia; rồi chúng ta chọn… như thế là dân chủ quá rồi còn gì nữa. Nhưng thực ra đó cũng chưa phải là dân chủ, ở chỗ cái danh sách đó: Ai đưa ra? Đó là Mặt trận tổ quốc, là Ban bầu cử; Nhưng danh sách đó ở đâu ra?…. Nhiều khi hỏi anh em, anh em cũng giật mình, bản thân mình cũng giật mình, là khi sáng bầu xong, tối vui miệng hỏi nhau bầu cho ai thì không mấy ai còn nhớ.

Và suốt 5 năm cuả nhiệm kỳ đó, mấy ai trong chúng ta gặp lại đại biểu do mình bầu không? Trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, các đại biểu đều có gặp gỡ và báo cáo tiếp xúc cử tri, nhưng đó cũng là cuộc gặp của những người lựa chọn. Sau lưng từng đại biểu Quốc hội, từng đại biểu Hội đồng nhân dân là hàng vạn cử tri. Nhưng có bao nhiêu người được lựa chọn ra cái danh sách đó.

Chính các nhà báo hỏi tôi: người dân có vấn đề gì thì nghĩ đến ai? có nghĩ đến đại biểu của mình không? Không- tôi đã trả lời như vậy.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuần và cựu bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc (trái) tại bàn tròn trực tuyến. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Tiếp tục đọc

Vụ nổ tại trụ sở công an, thêm một cán bộ thiệt mạng

Thông tin từ CATP Hà Nội, ngoài đại úy Nguyễn Văn Út, đồng chí Vũ Đình Sở, Phó ban bảo vệ dân phố cũng hy sinh khi cấp cứu tại bệnh viện.

Như VTC News đã đưa tin, thực hiện Chỉ thị số 502/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép, Công an Thành phố đã chỉ đạo Công an các quận, huyện, thị xã xây dựng và triển khai kế hoạch tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và thu gom vũ khí, vật liệu nổ trái phép trên địa bàn.

Tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, quần chúng nhân dân đã tự giác giao nộp cho Công an phường 02 quả lựu đạn, 02 súng ngắn, 90 viên đạn cùng một số pháo nổ, công cụ hỗ trợ khác.

Hồi 9h15 ngày 28/8, tại sân của trụ sở Công an phường, trong khi vận chuyển để bàn giao cho Ban chỉ huy quân sự quận Đống Đa tiếp nhận, xử lý theo thẩm quyền thì số vũ khí, vật liệu nổ thu được đã bất ngờ phát nổ gây hậu quả nghiêm trọng.

Đại úy Nguyễn Văn Út (SN 1973), Cảnh sát khu vực và đồng chí Vũ Đình Sở (SN 1942), Phó Ban bảo vệ dân phố đã hy sinh khi đang cấp cứu trong bệnh viện.

Có 3 đồng chí bị thương là: Đồng chí Trung tá Hà Minh Tuấn, (SN 1959), Phó trưởng Công an phường, đồng chí Đại úy Phan Đình Trung, (SN 1972), cảnh sát khu vực, đồng chí Đại úy Nguyễn Khắc Bình, (SN 1961), cảnh sát khu vực.

Công an Thành phố đang chỉ đạo Công an quận Đống Đa và các phòng nghiệp vụ chức năng tổ chức khám nghiệm hiện trường, xác định nguyên nhân và làm rõ vụ việc xảy ra.

Phúc Hưng (VTC News)

Cú trượt ngã của nữ sinh Hà Thành

23h trong quán net gần đường Vũ Thạnh (quận Đống Đa, Hà Nội), xen giữa những thanh niên miệt mài chơi game là cô bé xinh xắn, tóc nhuộm đỏ hoe, tay thoăn thoắt gõ bàn phím chat.
> Teen nữ và sở thích ‘khoe hàng’/ Teen đua nhau sắm ‘dế’

Loan, học sinh lớp 11, trường THPT bán công Đống Đa kể, sáng cô thường bỏ học 3 tiết đầu, học xong 2 tiết cuối thì tụ tập ăn uống, cà phê hay trà đá “buôn dưa lê” với chị em cùng sở thích. Tối cô cặp kè với các anh, hôm nào “ngoan” thì 23h về nhà, còn thường thì phải sáng hôm sau mới tàn cuộc vui.

“Em thường xuyên được đi bay, lắc, có hôm phê quá cả ngày hôm sau lơ ngơ như người trên mây, không thể ngồi dậy. Đợt đầu mới tập tọe, một buổi cắn hẳn hai viên ‘trái tim lồng’ khiến đầu óc điên đảo. Bọn bạn kể hôm đó em hét như người động kinh, chạy lung tung mặt mũi tái mét. Chính vì hay chơi bạo nên mấy thằng quý em lắm, lúc nào cũng rủ đi chơi cho vui”, Loan kể.

Một nhóm học sinh cấp 3 bị công an bắt giữ trong một nhà  nghỉ phạm tội sử dụng thuốc lắc.
Những học sinh bị phát hiện trong quán cà phê Melody ở Phúc Tân, Hà Nội, tại cơ quan điều tra. Ảnh: P.V.

Trong chuyến dạt nhà sau Tết, Loan cùng nhóm bạn tối ngủ nhà nghỉ ngày vẫn làm trò ngoan gần một tuần. Tiền hết, cô bé phải cắm cả điện thoại di động với cái lắc vàng, hôm tính tiền nhà nghỉ để về nhà vẫn còn thiếu hơn 2 triệu đồng.

“Đang tính xoay đâu ra tiền, cả lũ ra hàng net ngồi chơi, em treo status trên yahoo ‘Ai có tiền chuộc mình ra khỏi nhà nghỉ với’. Vừa treo được hơn 5 phút mà có tới gần chục người đăng ký. Em đã đi chơi với cái anh nói bao em nhiều tiền nhất”, Loan kể.

Trong nhà của Loan ở khu tập thể Hào Nam (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa), nhắc đến con gái, bà mẹ buồn bã cho biết, từ ngày lên cấp 3, cô bé tụ tập với mấy cô gái ngoài hàng net và đi chơi suốt ngày. Hễ bố mẹ hỏi thì Loan cãi, bảo không tin thì đến trường mà hỏi. “Thực sự bây giờ gia đình đã buông xuôi, chỉ mong nó học xong cấp 3 rồi đi làm”, người phụ nữ chưa đến 40 tuổi, nhưng khuôn mặt khắc khổ, già dặn như ngoài 50, rơm rớm nước mắt.

Trong nhóm bạn của Loan có một nữ sinh tên Thu. Thu không xinh, nhưng có tài ăn nói và được tụi bạn khen vì “có khả năng cưa giai rất giỏi”. “Nó thay người yêu như thay áo, có thể tối hôm nay đi chơi với anh lái taxi nhưng ngày mai lại tay trong tay với một dân chơi sành điệu thứ thiệt”, một cô bạn của Thu kể.

Ở trường chẳng ai dám đụng Thu, vì hễ ai gây sự hoặc lườm nguýt thì ngay lập tức cô sẽ cho họ “ăn đòn”. Đã nhiều lần cô tham gia đánh đàn chị trường khác, bị công an mời đến trụ sở. Nếu đúp năm nay thì cô nữ sinh này học lớp 11 mất 3 năm.

Bố mẹ Thu ly thân gần 2 năm, hiện cô bé ở với bố và em gái. Nghề thủy thủ khiến bố đi suốt, trước khi đi lần nào cũng để tiền cho cô con gái cả tự lo và nuôi em.

Hoan, nữ sinh lớp 12 trường Liễu Giai, Hà Nội thì trượt ngã nặng hơn. Cô bé đã đến với heroin cũng chỉ vì một câu kích của đám bạn hư hỏng: “Dám chơi cái này mới chứng tỏ dân sành điệu”.

Nhưng sành điệu chẳng thấy đâu, cô dần trở thành con nghiện nặng, những lúc thiếu tiền mua thuốc có thể làm bất cứ việc gì, từ ăn cắp tiền của bố mẹ, ăn cắp của bạn cùng lớp đến việc đi ngủ với bất kỳ bạn trai nào gạ gẫm. Sau một trận ốm nặng phải đi viện, bố mẹ mới phát hiện cô con gái yêu nghiện ma túy, đau lòng hơn nữa Hoan đã nhiễm HIV. Việc học phải dở dang, cô bắt buộc phải đi cai nghiện.

Hiện tượng nữ sinh đi bụi, chơi thuốc lắc, dính ma túy như không còn là hiếm ở Hà Nội. Ông Nguyễn Quốc Hợp, Đội trưởng Đội hình sự công an quận Hoàn Kiếm, cho biết, năm ngoái, đơn vị đã triệt phá một tụ điểm lắc ở phường Phúc Tân. Trong số bị bắt có đến 15 học sinh các trường THPT ở Hà Nội. Tất cả (11 nữ, 4 nam) đều còn mặc nguyên quần áo đồng phục. Xét nghiệm nhanh hơn chục em cho kết quả dương tính với ma túy tổng hợp.

“Đa số các em đều chưa đến tuổi thành niên nên chúng tôi không muốn làm căng. Chỉ trường hợp nào nặng công an mới bắt buộc phải vào cuộc. Dù gì gia đình cũng là yếu tố quan trọng để giáo dục các em, không thể đổ hết trách nhiệm cho nhà trường và công an được”, ông Hợp nói.

Tiến sĩ Lê Thị Bưởi, Trưởng phòng khám Tu Na, cũng cho rằng gia đình có vai trò quan trọng trong việc giáo dục con em. Mái nhà không êm ấm, các nữ sinh đang ở tuổi nhạy cảm, dễ bị biến động về tâm lý nên hay bị ức chế, trầm cảm hoặc nếu nặng hơn nữa là rối loạn hành vi.

“Một khi tâm lý bị kích động các em rất dễ bị bạn bè rủ rê làm những việc xấu như lắc. Khi chơi thuốc lắc, nhiều em bị ảo giác dẫn đến hành vi tự sát, hay mất trí nhớ”, bà Bưởi cho biết.

Qúy Thông

Chữa “nhiễm xạ” giá trị: việc cần làm ngay!

Tác giả: Dương Trọng Dật

Trong cơn địa chấn của lịch sử, nhiều chuẩn mực cũ vẫn còn giá trị, không dễ dàng mất đi nhưng bị hiểu lầm, xuyên tạc. Ngược lại, nhiều phản giá trị, phản văn hoá được du nhập từ nước ngoài lại được vồ vập, đón nhận, coi là chuẩn mực mới, giá trị mới. Trong hiện thực đời sống mới vận động có phần lộn xộn, sự lệch chuẩn là điều khó tránh khỏi.

Sau chiến thắng vĩ đại 1975, cùng với đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh dạo, nhân dân ta bước vào một giai đoạn phát triển mới trong lịch sử dân tộc. Nhưng từ con đường xoá bỏ cơ chế quan liêu bao cấp và nền kinh tế kế hoạch hoá hai thành phần, xây dựng nền kinh tế thị trường đất nước cũng trải qua một cơn đau đẻ kéo dài, một cuộc đảo lộn đau đớn chưa từng có trên mọi lĩnh vực đời sống, trong đó sự đảo lộn các chuẩn mực giá trị xã hội là dữ dội và khắc nghiệt nhất.

Từ con đường xoá bỏ cơ chế quan liêu bao cấp và nền kinh tế kế hoạch hoá hai thành phần, xây dựng nền kinh tế thị trường đất nước cũng trải qua một cơn đau đẻ kéo dài. Ảnh: songnongnghiep.binhduong.gov

Quá trình vận động của đời sống, đương nhiên, đòi hỏi con người có những tâm thế ứng xử mới phù hợp. Chuẩn mực cao nhất của mỗi người chấp nhận sự hy sinh vô điều kiện cho chiến thắng trong thời chiến dường như đã được thay thế bằng mục tiêu xã hội: đạt hiệu quả cao nhất trong sản xuất, kinh doanh trong thời bình. Bên cạnh hệ chuẩn mực mới chưa hình thành đầy đủ, những chuẩn mực cũ chưa hẳn mất hết giá trị, đã xuất hiện sự đảo lộn trong khung giá trị rất khó xác định. Cái mà ngày hôm qua ta coi là hợp lý, công bằng thì giờ đây lại không cân bằng, hợp lý với cuộc sống mới.

Quy luật giá trị, cái ngày hôm qua bị phủ nhận, ngày hôm nay lại trở thành yếu tố tích cực để giải phóng sức sản xuất. Phương thức phân phối bình quân chủ nghĩa được coi là ưu việt trong nền kinh tế bao cấp giờ đây lại là cái cản trở sự phát triển. Những khái niệm cá thể, lợi nhuận giàu có….vốn bị dè bỉu, xem thường đang được cuộc sống mới nhìn nhận bằng con mắt khác. Nói theo cách nói của Ănggen, chính chúng ta không phải ai khác ngày nay lại lên án những gì mà hôm qua chúng ta tôn vinh, và ngược lại tôn vinh những gì mà hôm qua chúng ta kỳ thị.

Sự đảo lộn những chuẩn mực giá trị còn diễn ra mạnh mẽ hơn với sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực, một hệ thống thế giới đã từng tồn tại hơn nửa thế kỷ. Không phải cái gì hôm qua được coi là lý tưởng thì hôm nay bị phỉ báng. Cũng không phải cái hôm qua được coi là giá trị thì hôm nay thành thứ bỏ đi. Nhưng quả thật sự sụp đổ của Liên Xô và một loạt các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũng đã thổi một cơn bão vào các giá trị chân – thiện – mỹ truyền thống. Sự đảo lộn lại diễn ra đúng lúc chúng ta mở cửa rộng rãi với thế giới bên ngoài, đa dạng, đa phương hoá các quan hệ đối ngoại.

Trong cơn địa chấn của lịch sử, nhiều chuẩn mực cũ vẫn còn giá trị, không dễ dàng mất đi nhưng bị hiểu lầm, xuyên tạc. Ngược lại, nhiều phản giá trị, phản văn hoá được du nhập từ nước ngoài lại được vồ vập, đón nhận, coi là chuẩn mực mới, giá trị mới. Trong hiện thực đời mới sống vận động có phần lộn xộn, sự lệch chuẩn là điều khó tránh khỏi.

Cùng với những phản giá trị, sự lệch chuẩn phá vỡ những chuẩn mực và già trị hiện có, kéo lùi sự phát triển, là thứ vận động trái quy luật, phản tiến bộ. Nhưng cũng có sự lệch chuẩn trên thực tế là sự phát triển hợp quy luật của sự tiến hoá. Đó là sự lệch chuẩn hợp lý nhằm thoát khỏi sự kìm trói của những chuẩn mực đã lỗi thời, chuẩn mực cho ra đời những chuẩn mới tiến bộ hơn, những chuẩn mực của tương lai.

Vô số những giá trị phản chuẩn, phản văn hoá nhân danh cái mới, cái hiện đại tràn vào theo con đường mở cửa cũng tác động mạnh, tạo ra những chuẩn mực giá trị giả tác động xấu đến tâm lý, thị hiếu của đông đảo quần chúng nhân dân. Ảnh: danangtourism.gov.vn

So với những biến đổi mau lẹ của thực tiễn khách quan, phải công nhận rằng việc định giá các giá trị và chuẩn mực xã hội của chúng ta còn quá thụ động, chậm chạp và lúng túng. Trong thực tế và cả trong lý luận nhiều khi chưa thể có sự phân định rạch ròi giữa cái thiện – cái ác, cái đúng  – cái sai, cái tốt – cái xấu, cái cần bảo vệ khuyến khích phát triển và cái cần bảo vệ đấu tranh loại bỏ.

Cùng một hiện tượng mới xuất hiện người thì khen ngợi, người thì chê bai, cũng là một công việc làm ăn, nơi này cổ vũ nơi kia ngăn cấm. Sự nhiễu xạ, lệch pha các chuẩn mực giá trị đã làm cho không ít các nhà nghiên cứu lý luận, sáng tác nghệ thuật, thậm chí các cơ quan Nhà nước mất phương hướng ứng xử; không chỉ tác động mạnh đến hoạt động văn hoá nghệ thuật mà còn ảnh hưởng đến định hướng giá trị mới và cả việc hoạch định các chính sách xã hội vĩ mô. Tình hình đó đòi hỏi phải sớm có một hệ thống định giá các chuẩn mực và giá trị xã hội mới một cách khách quan, khoa học và cách mạng.

Phát hiện thẩm định, xác lập những chuẩn mực mới, giá trị mới là một công việc hết sức khó khăn. Sự phát triển phong phú nhưng phức tập của đời sống với sự đan xen, chồng lấn giữa cái cổ truyền và cái cách tân, cái quốc gia và cái quốc tế, cái tốt và cái xấu trong phân định hệ chuẩn mực giá trị là một thực tế. Vấn đề là, trong hiện tượng gối sóng, tràn bờ giữa các chuẩn mực, làm sao xác tín được những giá trị mới cần phát triển và những chuẩn mực cũ đã lỗi thời cần loại bỏ? Nhu cầu phát triển đất nước đòi hỏi phải có những chuẩn mực giá trị mới, cao hơn, nhưng kinh tế đời sống của đất nước lại đang ở mức phát triển thấp.

Trong khi đó, những chuẩn mực cũ chưa tan rã và chuẩn mực cũ lại chưa đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để phát triển. Tầm vĩ mô đã gợi ra một số yếu tố cho chuẩn mực mới, nhưng thời gian chưa đủ để nó chín muồi, đứng vững ở cấp vi mô. Những quan niệm về chuẩn mực mới chưa thấm vào máu thịt trong từng con người cụ thể, từng gia đình và chưa định hình thành lối sống phổ biến trong dư luận xã hội. Sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực cũng khiến cho những chuẩn mực cũ gắn liền với chủ nghĩa xã hội bị cung kích, bôi nhọ.

Vô số những giá trị phản chuẩn, phản văn hoá nhân danh cái mới, cái hiện đại tràn vào theo con đường mở cửa cũng tác động mạnh, tạo ra những chuẩn mực giá trị giả tác động xấu đến tâm lý, thị hiếu của đông đảo quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Trong biển cả mênh mông của những chuẩn mực và giá trị, việc thẩm định, định giá các hệ chuẩn phổ biến nếu không có quan điểm và phương hướng đúng sẽ rất dễ rơi hoặc chủ quan võ đoán, hoặc lệc lạc mất phương hướng.

Nhưng chuẩn mực và giá trị xã hội không phải chỉ là sản phẩm của từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Chuẩn mực và giá trị xã hội là tinh hoa của nền văn hoá dân tộc, hình thành từ dân tộc, gắn bó chặt chẽ với cội nguồn, với sự thăng trầm và biến thiên của dân tộc. Nó vừa là một bộ phận của lịch sử dân tộc, vừa là nét biểu trưng cho dân tộc. Thuận lợi lớn đối với chúng ta nền văn hiến Việt Nam vốn có một truyền thống tốt đẹp. Những nét ưu trội như lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tình cảm thương người như thể thương thân, tình yêu lao động, đức tính cần cù  thông minh, hiếu học, biết bảo vệ giữ gìn bản sắc dân tộc nhưng cũng có khả năng thích ứng cao với mọi biến động của đời sống… đã định hình khá sắc bén trong đặc tính dân tộc.

Sự tình cờ của lịch sử cũng giúp cho dân tộc ta tiếp nhận những nền văn hoá lớn của nhân loại, nhào nặn nó phù hợp với đặc điểm tâm lý, với cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Nhứng nét ưu trội và đặc điểm hội nhập của các nền văn hóa lớn tiêu biểu cũng tạo điều kiện cho chúng ta có hệ quy chiếu khá rõ nét về các chuẩn mực giá trị để thẩm định và định giá.

Lý tưởng thẩm mỹ của tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, đường lối đổi mới của Đảng ta với những định lượng, định hướng về con đường xây dựng và phát triển đất nước… cũng hình thành hệ chuẩn cơ bản để soi sáng, phát hiện, phân định, nhận diện, xác lập và phát triển những chuẩn mực, giá trị xã hội mới.

Chuẩn mực giá trị đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong sự phát triển đất nước, trong sự phát triển nền văn hoá của mỗi dân tộc. Trong điều kiện đất nước ta hiện nay việc xác định hệ chuẩn giá trị ngày càng có ý nghĩa sống còn và là công việc hết sức cấp bách. Sẽ không thể xây dựng được một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh nếu cứ để tiếp tục và tồn tại sự nhiễm xạ giá trị, sự lệch pha các chuẩn mực trong pháp luật, đạo đức thẩm mỹ, lối sống. Bởi lẽ định giá, giá trị không chỉ nhằm khuyến khích chất lượng sống của một xã hội; mà quan trọng hơn, nhằm tạo cơ sở cho việc xây dựng đạo đức và lối sống định hướng đúng đắn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai.

Nghèo đói khiến con người trở nên dã man hơn?

Trộm cắp, đánh lộn thậm chí giết người giữa phố đang là hình ảnh hiện hữu từng phút giây tại quốc gia vừa trải qua cơn động đất kinh hoàng.

Gần 1 tuần đã trôi qua kể từ giây phút trận động đất kinh hoàng hôm 12/1, khi công tác cứu hộ đang bước vào những giai đoạn cuối cùng, bỏ dần những hi vọng tìm được người mất tích cũng là lúc đất nước Haiti chìm đắm trong loạn lạc khi những người sống sót tranh giành nhau từng chiếc bánh, can dầu để tồn tại.

Chỉ vì ăn trộm một mẩu bánh, tên đạo chích ‘tội nghiệp’ đã bị một nhóm thanh niên lột trần và đánh tới chết ngay trên phố trước sự chứng kiến của người già và cả trẻ em. Trong khi đó, ở một góc phố, những tên mafia ngang nhiên cầm súng diễu xe hơi dạo phố. Lộn xộn luôn xảy ra gần khu vực thả hàng từ trực thăng cứu trợ. Đến lấy hàng người ta không chỉ mang theo túi, giỏ đựng hàng mà cả những con dao để sẵn sàng sử dụng khi cần thiết.

Nghèo đói khiến con người trở nên dã man hơn?, Tin quốc tế, Tin tức - Sự kiện,

Người ăn trộm bị lột trần và nhận đòn roi dã man đến chết ngay trên đường

Nghèo đói khiến con người trở nên dã man hơn?, Tin quốc tế, Tin tức - Sự kiện,

Sau đó xác bị kéo lê trên mặt đất

Nghèo đói khiến con người trở nên dã man hơn?, Tin quốc tế, Tin tức - Sự kiện,

Hàng ‘nóng’ xuất hiện khắp mọi nơi

Nghèo đói khiến con người trở nên dã man hơn?, Tin quốc tế, Tin tức - Sự kiện,

Dùng dao để cướp hàng cứu trợ

Nghèo đói khiến con người trở nên dã man hơn?, Tin quốc tế, Tin tức - Sự kiện,

Cướp bóc xảy ra như cơm bữa

Nghèo đói khiến con người trở nên dã man hơn?, Tin quốc tế, Tin tức - Sự kiện,

Số hàng ít ỏi không đủ phục vụ những con người khốn khổ trong vùng địa chấn

Phân hóa thu nhập từ nhiều góc nhìn

Tác giả: Trần Trọng Thức

Cũng có người giàu lên không bằng năng lực cũng chẳng nhờ vào thời cơ, mà nhờ vào các mối quan hệ. Hầu hết các nước kém phát triển, khi quyền lực liên kết với tư bản trong làm ăn thì phân hóa giàu nghèo càng khó giải quyết.

Năm hết Tết đến, một trong những mối bận tâm lớn của người làm công ăn lương là khoản tiền thưởng Tết mà họ xứng đáng có được từ công sức đóng góp của mình là bao nhiêu? Thế cho nên thông tin trên báo chí đề cập đến những khoảng cách quá lớn về tiền thưởng Tết giữa khu vực kinh tế này với khu vực kinh tế khác, ngành này với ngành khác được nhiều người quan tâm cũng là điều dễ hiểu.

Thông tin từ Vụ Lao động Tiền lương (Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội) cho thấy, cá nhân được thưởng Tết cao nhất năm nay là 389 triệu đồng thuộc về một doanh nghiệp FDI của TP HCM. Trong khi đó mức thưởng Tết cao nhất cho lao động trong khối doanh nghiệp dân doanh tại thành phố này là 185 triệu đồng. Ở khối doanh nghiệp nhà nước, mức thưởng Tết cao nhất là 99,7 triệu đồng của một doanh nghiệp ở Khánh Hòa.

Năm nay, thưởng Tết bình quân chung của cả nước khoảng 1,85 triệu đồng một người, cao hơn 300.000 đồng so với năm ngoái, trong đó doanh nghiệp nhà nước là 2,2 triệu đồng, doanh nghiệp dân doanh 1,4 triệu đồng và doanh nghiệp FDI 1,9 triệu đồng một người. Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương giữ kỷ lục về thưởng Tết với mức bình quân cá nhân 4,3 triệu đồng, kế đó là TP HCM 3,8 triệu đồng, Khánh Hòa 3,6 triệu đồng, Đà Nẵng 2,5 triệu đồng, Hà Nội 2,3 triệu đồng, Bình Dương 2,1 triệu đồng và Đồng Nai 1,7 triệu đồng.

Thấp nhất năm nay là ở Nam Định, khối doanh nghiệp FDI có mức thưởng Tết cao nhất là 100.000 đồng/người, thấp nhất là 50.000 đồng/người. Riêng khối doanh nghiệp dân doanh, mức thưởng cao nhất lên tới 3,2 triệu đồng, nhưng mức thấp nhất lại chỉ có 30.000 đồng/người. Đây cũng là mức thấp nhất trong cả nước.

Khoảng cách giàu nghèo.

Sự chênh lệch về tiền thưởng Tết năm nay như vừa nói phản ánh một sự phân hóa thu nhập – phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn, một sự chạnh lòng không thuộc phạm trù… đấu tranh giai cấp.

Cách đây một phần tư thế kỷ, khi đất nước đi vào đổi mới và sự phân hóa giàu nghèo bắt đầu ló dạng, không ít người cho rằng hễ một người giàu lên thì ắt phải có một người khác nghèo đi. Lối suy nghĩ hẹp hòi như thế khiến chúng ta liên tưởng đến hình ảnh một chiếc bánh phải chia đều cho mọi người. Đó là cách suy nghĩ một thời xa xưa mà hậu quả là người ta nhân danh công bằng để chia đều với nhau sự nghèo khó.

Giờ đây chúng ta đã nghĩ khác, chiếc bánh được chia đều không phải là hình ảnh nói lên sự công bằng trong xã hội nữa mà những người tạo ra một giá trị cao hơn có quyền được hưởng phần bánh nhiều hơn để làm ra chiếc bánh lớn hơn hoặc có thêm chiếc bánh khác.

Tình trạng cách biệt thu nhập giữa người giàu và nghèo là điều đương nhiên có trong một xã hội cho phép sự cạnh tranh. Nhiều nhà kinh tế học khuyên rằng chúng ta đừng quá gay gắt với khoảng cách giàu nghèo mà nên quan tâm nhiều hơn đến việc làm cho chất lượng cuộc sống của mọi người trở nên tốt hơn. Như ai đó đã lưu ý: “Chúng ta nên quan tâm đến phần bánh mà người nghèo nhận được là bao nhiêu, chứ không phải là phần bánh họ nhận được bằng bao nhiêu so với phần bánh mà người giàu nhất có được”.

Nhưng liệu có phải việc phân chia chiếc bánh lúc nào cũng công bằng không? Chưa hẳn, vì thiếu gì trường hợp khi chiếc bánh to lên thì một số người không làm mà vẫn có ăn thậm chí còn giành phần nhiều nữa. Đó là người giàu lên nhờ thời cơ, cũng là làm giàu chính đáng, nhưng khi ấy để rút ngắn khoảng cách với người nghèo thì phải cần đến vai trò điều tiết của thuế má, của luật pháp nghiêm minh và đặc biệt là các chính sách an sinh xã hội. Mà về điều này thì hình như chúng ta đang còn kém.

Báo cáo của Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) gần đây về an sinh xã hội ở Việt Nam cho thấy các hộ trong nhóm 20% giàu nhất của chúng ta nhận được khoảng gần 40% lợi ích an sinh xã hội, trong khi nhóm nghèo nhất chỉ nhận được 7%. Nhóm giàu nhất được hưởng tới 35% trợ cấp giáo dục còn nhóm nghèo nhất chỉ được 15%.

Khi chúng ta chưa làm tốt vấn đề an sinh xã hội cho nên rất cần cảnh báo tình trạng phân hóa này bởi khi sự thiệt thòi quá nhiều nghiêng về  nhóm người nghèo thì rủi ro về mặt xã hội sẽ càng cao.

Trong khi có những người giàu lên không bằng năng lực cũng chẳng nhờ vào thời cơ, mà nhờ vào các mối quan hệ. Hầu hết các nước kém phát triển, khi quyền lực liên kết với tư bản trong làm ăn thì phân hóa giàu nghèo càng khó giải quyết. Về mặt lý thuyết thì quyền lực chính trị là khả năng quyết định ai sẽ nhận được “cái gì” để làm ra được “cái gì” và cho ai được hưởng.

Minh bạch sẽ kiếm bộn tiền

Nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể thấy khuynh hướng phát triển chính của hoạt động kinh doanh dịch vụ là cung cấp ngày càng nhiều chức năng cho khách hàng và khiến họ biết nhiều hơn đến sự hiện diện của sản phẩm hay dịch vụ.

Với tư cách một người có nhiều kinh nghiệm sử dụng điện thoại, tôi có thể nhận thấy rõ ràng rằng thế giới cung cấp dịch vụ khách hàng đang thay đổi. Khi mà điện thoại ở đất nước này phát triển thành một dạng thiết bị tiêu dùng, các chuyên gia tài năng đã tiên đoán trước rằng để đáp ứng nhu cầu gọi điện của các quốc gia đang phát triển, toàn bộ đất nước sẽ trở thành một trạm điện thoại, và đó là chính xác những gì chúng ta đang có hiện nay: Chúng ta đang sử dụng mạng điện thoại của riêng chúng ta.

Cũng như vậy, khi mà Michael J Cullen mở siêu thị đầu tiên trong chuỗi 51 siêu thị tại Jamaica, Queens, thành phố New York trong một khoảng không gian hơn 550 mét vuông vào ngày 4/4/1930 với một khẩu hiệu thú vị: “Chồng hàng cao, bán giá thấp”, ông đã bắt đầu một thế giới siêu thị tự phục vụ giá rẻ. Bất cứ khi nào có thể, các doanh nghiệp hãy để khách hàng tự phục vụ chính mình.

Ngày nay, với sự trợ giúp của công nghệ, các xu hướng mới ra đời, và tôi đã tìm ra 3 xu hướng mới đang tái kiến tạo hoạt động dịch vụ khách hàng theo một cách mới hơn, tính tương tác cao hơn, và phương cách hoạt động kinh tế hơn: minh bạch, thiết lập nhóm và khơi gợi nhân tài.

Thí dụ điển hình nhất cho tính minh bạch được tìm thấy thông qua nỗ lực của hãng dịch vụ hậu cần Federal Express trong nhiều năm qua. Đây là một trong những công ty đầu tiên đưa hệ thống nội bộ của doanh nghiệp ra trước tầm quan sát của khách hàng để họ không chỉ biết về các kế hoạch làm việc, tự in nhãn, và quản lý tài khoản của mình mà còn có thể quan sát ở mức độ chi tiết tương tự về vị trí công ty cất hàng. Thực sự, để khách hàng biết sản phẩm họ đang mua hay dịch vụ họ đang sử dụng thực chất như thế nào mang lại lợi ích lớn cho nhiều công ty.

Hãng ôtô nổi tiếng BMW cho phép người mua định hình và đặt hàng chiếc Mini Cooper kiểm tra tiến độ của công việc lắp ráp và vị trí mà chiếc xe đang được vận chuyển trên đại dương Atlantic bao la. Những nỗ lực này nói lên điều gì? Thử tưởng tượng đến sự năng động mà công ty điện toán của bạn có thể nhận được khi bạn thực sự nhìn thấy cỗ xe dịch vụ đang trên đường đến nhà bạn. Điều này chắc chắn sẽ làm thay đổi thái độ giữa khách hàng và công ty. Thậm chí nếu chính phủ cho phép bạn lần theo dấu vết những chú gầu trắng bắc cực đã được gắn thẻ theo dõi thì sao nhỉ?

Những cuốn sách của tác giả người Mỹ Seth Goldin về thiết lập nhóm miêu tả những nhóm người cùng có chung một niềm đam mê – và các doanh nghiệp đã rất xuất sắc trong việc sử dụng các nhóm khách hàng này để thay đổi bản chất của việc cung cấp dịch vụ. Thật vậy, hãng máy tính Dell đã rất nổi tiếng khi biến những nhóm khách hàng tức giận thành những người tiêu dùng hạnh phúc.

Bạn có thể gây nhóm cho bất cứ sản phẩm hay dịch vụ nào. Trong khi nhóm người này có chung niềm đam mê về dịch vụ hàng không; thì nhóm người khác đang mê đắm trong thế giới Porsche; một số khác thì bị ám ảnh bởi những chiếc ti vi màn hình phẳng. Trong khi những công ty với dịch vụ khách hàng tồi bị chỉ trích thì những nhóm này lại giúp các công ty tài năng khác phát kiến ra giải pháp cho các khách hàng còn lại. Như ngài Seth đã phán, nhóm cần phải được dẫn dắt.

Đề cập đến xu hướng thứ 3, tôi tin rằng việc khơi gợi nhân tài là rất quan trọng đối với những gì mà khách hàng cảm nhận được. Hãy đối mặt với sự thật là nội dung trong các bản hướng dẫn sử dụng của các công ty thường kết thúc chán ngắt, hoặc không có khả năng kết nối với người sử dụng. Lauren Luke không gặp vấn đề này. Lauren Luke là ai ư? Cô có hơn 300.000 người đăng ký xem các video dạy cách trang điểm trên YouTube. Những đặc tính và phương cách đặc biệt giúp các bài học của cô như hát trên màn hình nhỏ và khuôn hình YouTube.

Những cỗ máy kiến tạo ngôi sao chính qui của các công ty kinh doanh đồ trang điểm sẽ chẳng bao giờ khám phá ra cô bé này; cô bé chẳng phải nữ diễn viên nổi tiếng hay người mẫu, cũng không làm phát ngôn viên cho bất cứ chương trình nào. Dù vậy, hiện nay, cô là một trong những người dạy trang điểm nổi tiếng nhất trên toàn thế giới.

Có thể thấy rằng, những người tiêu dùng tài năng có thể tạo ra các nội dung thú vị và hữu ích – đôi khi, như trong trường hợp của Luke, những gì cô trình bày còn thú vị và hữu ích hơn những gì mà công ty đưa ra rất nhiều. Thật không có lý do gì mà công ty điện toán nội địa của tôi lại không thử tạo ra một cuộc thi giữa các khách hàng nhằm tìm ra bản hướng dẫn thú vị nhất để lắp một hộp cáp mới hay lập trình một chiếc điều khiển từ xa. Dù một số cuộc thi mang tính giải trí, các cuộc thi khác đơn giản, nhưng với cấu trúc tương đương các cuộc thi, người sử dụng sẽ tạo ra những thứ thú vị hơn những gì mà các nhóm chỉ giao tiếp nội bộ trong công ty có thể tạo ra.

Thông điệp chung đã được truyền tải rất rõ ràng – hãy rộng mở; cho phép khán giả tham gia vào quá trình tìm giải pháp cũng như trao đổi các thông tin về công ty của bạn. Lợi ích kinh tế mà sự quan tâm của khách hàng mang lại lớn hơn những gì được tạo ra chỉ từ nguồn nội lực của công ty. Khi phân tích tổ chức dịch vụ khách hàng ở hãng máy tính IBM nhiều năm nay, tôi thấy rằng việc tập hợp các giải pháp thành cơ sở kiến thức dữ liệu đã làm tăng khả năng giải đáp các thắc mắc theo lối một cửa từ 60% lên 90%. Tất nhiên là khách hàng sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn. Các nhân viên kỹ thuật cũng có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu sản phẩm mới thay vì chạy đuổi theo giải quyết các vấn đề của khách hàng. Còn gì thỏa mãn hơn nữa chứ!

Trong một tương lai kết nối hơn, con người sẽ có nhiều khả năng được chia sẻ các ấn tượng, câu chuyện và lời khuyên. Trong một thị trường thông tin đa dạng và phong phú hơn bao giờ hết, khuynh hướng tự nhiên sẽ biến những người dẫn đầu các nhóm có cùng đam mê trở thành những người có tầm ảnh hưởng lớn. Những người tạo ra các bài diễn giải thú vị sẽ là những người kiến tạo thị trường. Đây liệu đã phải là thời điểm thích hợp để tham gia vào cấu trúc dịch vụ khách hàng đang phát triển, hay vẫn là thời mà các công ty gây dựng danh tiếng dựa trên hệ thống truyền thông tự tạo?

Các câu hỏi của tôi dành cho bạn được rút gọn như sau:

– Công ty bạn đã minh bạch chưa?
– Công ty bạn có dẫn dắt được các nhóm đam mê sản phẩm?
– Công ty bạn đã làm thế nào để khơi dậy các nhân tài tiềm ẩn trong cơ sở khách đang sở hữu?

Thứ mà bạn cần phải mất không gì khác chính là ảo tưởng kiểm soát toàn bộ khách hàng mà bạn đang dung dưỡng.

– Bài viết của John Sviokla trên Harvard Business Publishing –

Cao Hương dịch

Tư duy luẩn quẩn

Tác giả: Hà Văn Thịnh (Đại học Khoa học Huế)

Không thể vin cớ, hạt nix không có trong danh mục cấm (lỗi do sự kém hiểu biết của những người làm ra danh mục ấy) mà nói rằng cho nhập (UBND tỉnh Khánh Hoà) là đúng và không cho sử dụng (Bộ TN-MT) là cũng… đúng.

Xung quanh chuyện UBND tỉnh Khánh Hoà cho phép Huyndai Vinashin (HVS) nhập khẩu 20.000 tấn hạt nix trong khi doanh nghiệp này chưa xử lý xong gần một triệu tấn hạt nix đã qua sử dụng, ông Lưu Kế Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường nói rằng: Không cấm nhập hạt nix nhưng không cho sử dụng (!) và, danh mục cấm không có nên nhập cũng không sao vì “riêng nó thì không độc. Nó chỉ độc khi mình dùng nó phun vào các tàu cũ thì hạt nix bị vỡ ra và nó lẫn vào vào mỡ, dầu, sơn và phát tán ra môi trường xung quanh… thì mới là độc, nguy hại đến môi trường” (VietNamNet, 8/1/2010).

Nghe cách nói ấy, người đọc không thể hiểu nổi vì chẳng khác gì nói bản thân tội phạm nguy hiểm không nguy hại, chỉ đến khi nó trốn thoát nhà tù, gây án thì mới nguy hại!

Những núi hạt nix đang chờ xử lí. Ảnh: Võ Văn Tạo

Không thể vin cớ rằng hạt nix không có trong danh mục cấm (lỗi do sự kém hiểu biết của những người làm ra danh mục ấy) mà nói rằng cho nhập (UBND tỉnh Khánh Hoà) là đúng và không cho sử dụng (Bộ TN-MT) là cũng… đúng.

Rất cần đặt ra những kiến nghị sau đây:

Thứ nhất, không thể chấp nhận “nguyên tắc” phi lý giữa có hại – không có hại mà Bộ TN-MT quan niệm. Hậu quả của một thứ tưởng chừng như vô hại, khi đem ra cạo gỉ vỏ tàu trở nên khôn lường là điều ai cũng biết (ông Lưu Kế Sơn còn “bỏ qua” chuyện khi những hạt kim loại đặc biệt có tên là nix, bắn vào vỏ tàu tạo ra những tiếng ồn chói tai và vô số những hạt bụi nhỏ li ti chui vào phổi của hàng vạn người dân). Chừng nào chưa xử lý xong gần 1 triệu tấn hạt nix sau khi sử dụng thì chừng đó mọi sự tiếp tay, dù trực tiếp hay gián tiếp là không thể chấp nhận.

Thứ hai, ông Lưu Kế Sơn cho biết: Bộ TN-MT đã có 6 yêu cầu về việc sửa chữa tàu của Vinashin sau khi công ty này gây ra “khuyết điểm lớn, kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng”, nhưng Vinashin vẫn làm ngơ thì ai là người phải chịu trách nhiệm? Hậu quả nghiêm trọng phải gắn liền với hành vi xâm hại nghiêm trọng. Không lý gì những tương tác – liên kết – đùn đẩy của các nhóm lợi ích cứ tìm cách dẫn dư luận đi vòng vo rồi thoả sức tung hoành vì những người làm chuyện đó biết rằng giơ cao đánh khẽ là chuyện của… bình thường!

Thứ ba, danh mục không có nhưng nó nguy hại thì phải bổ sung ngay. Điều đó đâu có khó? Quyền lực trong tay Chính phủ và Bộ TN-MT là cơ quan có trách nhiệm cao nhất trong Chính phủ về vấn đề bức xúc của dư luận. Điệp khúc “xem xét, xử lý, đệ trình” luôn là một kế hoãn binh để hoá bùn tất cả những gì khuất tất, nguy hại. Cách làm đó trong thời đại thông tin toàn cầu là một sự “ngộ nhận” cố tình bất chấp dư luận và sức khoẻ của người dân Khánh Hoà.

Thứ tư, Bộ TN-MT cho rằng Bộ “đã có những biện pháp cứng rắn” nhưng tại sao hạt nix vẫn được nhập một cách bình thường? Nếu không có sự phát hiện của báo chí thì sự thể coi thường kỷ cương, phép nước sẽ đến mức nào?

Thứ năm, tại sao ông Lưu Kế Sơn có thể nói: “Tôi nghĩ rằng hạt nix đã qua sử dụng có tác hại môi trường thì xử lý không khó. Và nó tác hại đến môi trường xung quuanh không nhiều, không lớn như các chất khác đâu”, trong khi ở đoạn trích dẫn trên, rõ ràng ông đã nói là hạt nix “độc, nguy hại đến môi trường”? Cách lập luận như vậy có phần mâu thuẫn. Mặt khác, nếu cho rằng có nhiều chất độc hại khác độc hơn nix sau khi đã sử dụng, phải chăng Bộ TN-MT muốn nói rằng chúng vẫn đang ngang nhiên tồn tại? “Cái gì độc hại” hơn nữa mà Bộ TN-MT đang bỏ qua là điều cần phải tìm hiểu kỹ càng.

“Không cấm nhập nhưng không cho sử dụng” có lẽ là câu nói hay nhất trong tuần đầu tiên của năm 2010. “Độc hại” nhưng không độc hại bằng thứ khác cũng cạnh tranh luôn ngôi vị đó. Phần còn lại để độc giả tự bình chọn là câu nào hay hơn.

Trong khi dư luận tìm kiếm sự thật thì trước hết, nếu đã tìm ra cái sai thì đừng thanh tra nữa mà hãy chấm dứt ngay vụ việc theo “công thức 6 điểm” mà Bộ TN-MT đã đề ra: Tốn tiền dân, của nước nhập hạt nix về để đó vẫn còn hơn là tiếp tay cho những sai phạm ngày càng nghiêm trọng hơn. Bởi vì, nếu không chấm dứt sai phạm thì chẳng khác gì dung túng, vẽ đường cho nó hoành hành!

(Nguồn Tuanvietnam.net)