Thông báo chuyển địa chỉ

Kính gửi quý thân hữu, độc giả gần xa.
Đầu tiên xin chân thành cảm ơn quý vị đã ghé thăm và chia sẻ cùng Da Vàng Blog trong thời gian vừa qua.
Thời gian gần đây, do bị chặn nên rất bất tiện khi đọc và cập nhật bài vở. Nay Da Vàng Blog thông báo địa chỉ mới như sau (chỉ cần clik vào link bên dưới):

Da Vàng Blog mới hoặc http://davangblog.wordpress.com/

Hoặc các bạn cũng có thể truy cập vào liên kết RSS ở thanh bên phải.

Chân thành cảm ơn.
Trân trọng!

Đánh vào “gót chân Asin” của Trung Quốc

Tác giả: Nguyễn Tuấn Anh

Trung Quốc cũng có những điểm mạnh và điểm yếu của mình như một con người. Nếu coi Trung Quốc ngày nay như “cái bóng” e rằng chỉ thấy điểm mạnh mà không dám thấy những điểm yếu của họ. Anh hùng như Asin cũng có tử huyệt nơi gót chân.

Tuy rất thích câu hỏi Diễn đàn Kinh tế Việt Nam đặt ra: “Việt Nam làm gì để phồn vinh cạnh “cái bóng” Trung Quốc?”, nhưng cá nhân người viết không muốn dùng từ “cái bóng”. Ít văn vẻ, cụ thể và bình đẳng hơn, câu hỏi có thể: “Việt Nam chọn chiến lược phát triển nào để phồn vinh bên cạnh sự trỗi dậy của Trung Quốc?”.

Trung Quốc từ lâu, đã là một “người khổng lồ”, lúc thăng, lúc trầm. Kể từ thời đổi mới bắt đầu bằng ông Đặng Tiểu Bình, cho đến khoảng từ những năm đầu của thế kỷ 21, Trung Quốc bắt đầu cho thế giới thấy sự vươn dậy của một người khổng lồ sau giấc ngủ dài. “Người khổng lồ” đương nhiên là rất khỏe, nhưng cũng có những yếu điểm, chẳng thế mà chàng David bé nhỏ có thể hạ được gã khổng lồ Goliah.

Nói thế không phải ám chỉ Việt Nam có thể là chàng David bé nhỏ tài ba, mà chỉ muốn nhìn Trung Quốc như một người khổng lồ, cũng có những điểm mạnh và điểm yếu của mình như một con người. Nếu coi Trung Quốc ngày nay như “cái bóng” e rằng chỉ thấy điểm mạnh mà không dám thấy những điểm yếu của họ. Anh hùng như Asin cũng có tử huyệt nơi gót chân.

Và như tác giả Cảnh Thái đưa ra ví dụ về các nước nhỏ nhưng giàu, đã song song tồn tại cùng phồn vinh bên cạnh sự lớn mạnh của Trung Quốc, như Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan nhờ có những chiến lược, bước đi thông minh để thực sự phồn vinh cạnh một Trung Quốc khổng lồ.
Trung Quốc được ví như công xưởng của thế giới (ảnh yoyojoes)

Việt Nam học được kinh nghiệm gì từ những nước đó? Chúng ta phát triển kinh tế chậm hơn, đi sau Trung Quốc trong đổi mới và mở cửa thị trường. Hơn nữa, cũng cần lưu ý rằng, những điểm mạnh mà các nước Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan đang có đều rất có thể sẽ không còn, nhất là khi Trung Quốc vươn mình. Bởi, bản thân Trung Quốc cũng đang đi trên con đường công nghiệp hóa rất giống những nước này, nhất là các mặt hàng công nghiệp điện tử, ôtô.

Trước khi suy nghĩ chiến lược phát triển của Việt Nam bên cạnh Trung Quốc, thử tìm xem “người khổng lồ” này có những điểm mạnh, điểm yếu gì? Có hay không gót chân Asin trong con người người khổng lồ đó?

Đi tìm “gót chân Asin” của Trung Quốc

Dân số đông chính là điểm mạnh, điểm khác biệt lớn nhất của Trung Quốc mà cả thế giới thèm muốn, nhưng không nước nào có được.

Chính vì dân số đông nhất, là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, Trung Quốc luôn chọn cho mình chiến lược sản lượng, nghĩa là lấy sản lượng lớn, để giảm giá thành sản xuất; từ đó, có sức cạnh tranh cực mạnh bằng chính sách giá trên toàn cầu. Từ điểm mạnh mang tính cốt lõi này, mà Trung Quốc có một loạt các điểm mạnh phát sinh khác như nhiều bài báo đã viết.

Như chúng ta biết, trong chiến lược sản xuất, kinh doanh người ta nói nhiều về hai chiến lược quan trọng: Chiến lược về giá thấp (cost strategy) và chiến lược về khác biệt (differentiation strategy). Với thị trường quá cỡ như Trung Quốc, một cách gần như tự nhiên, người ta sử dụng lợi thế giá rẻ của chính sách sản lượng (economies of scale) và tác dụng của đường cong kinh nghiệm (experience curve effects) với ý nghĩa, quy mô càng lớn, thì giá thành sản xuất càng giảm và càng sản xuất nhiều, kinh nghiệm nhiều, thì người lao động càng khéo và giảm chi phí sản xuất.

Trong khi đó, sẽ rất ít người dám dũng cảm, từ bỏ lợi thế trời cho đó, để theo đuổi chiến lược Khác biệt với ý nghĩa, tạo khác biệt cực mạnh và bán giá cao nhờ khác biệt đã được tạo ra. Liệu đó có thể là điểm yếu, là gót chân Asin của “người khổng lồ” Trung Quốc, cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam len lỏi vào thị trường Trung Quốc?

Sẽ có người phản biện. Chẳng nhẽ người Trung Quốc không biết điều đó?
Không chỉ người khổng lồ, mà ai cũng có “gót chân asin”

Tất nhiên, họ biết. Song, biết là một chuyện, có dũng cảm cưỡng lại hay không lại là chuyện khác. Ngài David Ricardo (1772-1823), nhà kinh tế chính trị học cổ điển nổi tiếng người Anh, cha đẻ của thuyết Lợi thế so sánh (comparative avantage) đã có câu gợi ý: “Lợi thế so sánh” là cơ sở thúc đẩy tự do trao đổi thương mại giữa các quốc gia.

Nội dung cơ bản của thuyết có thể được giải thích thông qua một ví dụ đơn giản sau. Một nước A có thể sản xuất 2 mặt hàng a và b. Cả 2 mặt hàng đều mang lại lợi nhuận, nhưng sản xuất mặt hàng a mang lại lợi nhuận cao hơn mặt hàng b. Nước B cũng sản xuất mặt hàng b nhưng với chi phí cao hơn chi phí mà nước A bỏ ra đối với sản xuất mặt hàng b. Tuy nhiên, vì sản xuất mặt hàng a mang lại lợi nhuận cho nước A cao hơn là sản xuất mặt hàng b, cho nên, nước A sẵn sàng chỉ tập trung vào sản xuất mặt hàng a và nhập khẩu mặt hàng b từ nước B. Tổng kết lại, họ vẫn có lợi hơn là sản xuất cả hai mặt hàng a và b.

Chính vì vậy, mặc dù, Trung Quốc có thể sản xuất tất cả các mặt hàng, sản phẩm và đều có lợi hơn so với sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo xu hướng, lợi thế so sánh, họ sẽ chỉ tập trung vào những mặt hàng sản xuất mang lại lợi nhuận cao hơn, chấp nhận nhập một số mặt hàng từ Việt Nam. Mặc dù, nếu họ tự sản xuất, giá vẫn có thể thấp hơn. Chính vì vậy, dù có giá thành cao hơn, một số mặt hàng, sản phẩm của Việt Nam vẫn có thể xuất sang Trung Quốc được.

Thực ra, ai cũng vậy, khi có một điểm cực mạnh, thì rất ít khi chúng ta từ bỏ điểm cực mạnh đó trong cạnh tranh. Đó cũng là cái bẫy chiến lược về giá thấp của một thị trường cực lớn như Trung Quốc.

Sẽ không nhiều người quan tâm đến chiến lược Khác biệt. Mà nếu có, và trong thực tế vẫn có những doanh nghiệp Trung Quốc theo đuổi chiến lược Khác biệt. Nhưng như vậy, vô hình chung, họ đã tự từ bỏ sở trường mạnh nhất của mình là giá rẻ. Và lúc đó, họ hoàn toàn bình đẳng với các doanh nghiệp Việt Nam trong cạnh tranh bằng chất lượng, thương hiệu và tính đặc sắc, khác biệt của sản phẩm.

Thị trường vĩ đại vừa là điểm cực mạnh, nhưng cũng chính là nguồn phát sinh gót chân Asin của Trung Quốc, là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam len lỏi trong cơ thể người khổng lồ này.

Việt Nam nên làm gì?

Như vậy, thay vì cạnh tranh giá rẻ với Trung Quốc, Việt Nam nên tập trung vào đoạn thị trường bậc trung, về chất lượng, thương hiệu và giá cao hơn sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc. Nói cách khác, Việt Nam nên cạnh tranh với các nhà sản xuất Trung Quốc bằng chiến lược Khác biệt.

Thực ra, dù có muốn, Việt Nam cũng không thể đáp ứng được tất cả nhu cầu của một thị trường 1,3 tỷ dân. Giả sử, thành phần trung lưu Trung Quốc chiếm 20% dân số, thì thị trường mục tiêu đã là 260 triệu dân, gần bằng thị trường tổng thể của Mỹ với 310 triệu dân. Chắc chắn với sự phát triển mạnh mẽ vào bậc nhất thế giới, số lượng dân tầng lớp Trung lưu của Trung Quốc sẽ tăng lên nhanh chóng.

Chẳng hạn, nhìn vào số lượng người mua ôtô Trung Quốc hàng năm sẽ thấy, nhu cầu của thị trường này là khoảng 15,8 triệu xe (năm 2010)(1). Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành thị trường ôtô lớn nhất thế giới(2). Người mua ôtô chắc chắn không phải là người nghèo. Chỉ tập trung vào thị trường bậc trung đã là quá đủ và bao la đối với các nhà sản xuất Việt Nam.

Như vậy một thị trường lớn gần bằng Mỹ, đang phát triển, ngay bên cạnh chúng ta, sẽ cho ta lợi thế rất nhiều, khi không phải chi phí vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ, giá đến tay người tiêu dùng sẽ cạnh tranh hơn một cách đáng kể, điều kiện hàng qua biên giới vào Trung Quốc cũng dễ hơn vào Mỹ và châu Âu rất nhiều.

Ngoài ra, bằng những sản phẩm đặc sắc của mình, nông, hải thủy sản, rau quả, thủ công mỹ nghệ, may mặc, giầy dép bậc trung, chúng ta có thể hoàn toàn tự tin tìm ra đoạn thị trường mục tiêu phù hợp của mình trong 210 triệu người tiêu dùng bậc trung Trung Quốc.

Dùng chiến lược Khác biệt, nâng cấp các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam, tránh cạnh tranh với các sản phẩm tương đương giá rẻ hiện có của Trung Quốc, sẽ là hướng đi hợp lý của chiến lược ngắn và trung hạn Việt Nam. Một điều cần lưu ý, là các nước gần Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông đều hầu như không có các sản phẩm tương tự như của Việt Nam, chúng ta hầu như không gặp bất kể sức ép cạnh tranh nào ngoài Trung Quốc cho chính thị trường Trung Quốc.

Về dài hạn, khi đã hiểu kỹ người tiêu dùng Trung Quốc thông qua quá trình kinh doanh ngắn và trung hạn, chúng ta có thể phát triển những sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu, mong muốn của đoạn thị trường mục tiêu đã chọn.

Nhà nước nên lập ra một ban chuyên về Chiến lược phát triển thị trường Trung Quốc. Ban này có nhiệm vụ tổ chức thực hiện nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường Trung Quốc; hỗ trợ, xúc tiến các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; đồng thời tổ chức kiểm tra, kiểm soát chất lượng, thương hiệu các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Việt Nam nên cử các chuyên gia marketing, các đoàn nghiên cứu, tìm hiểu thị trường Trung Quốc. Trong vòng 1 năm, nếu thực sự chuyên tâm, chúng ta sẽ có các kết quả nghiên cứu tổng thể thị trường láng giềng. Từ đó, xây dựng các chiến lược marketing thâm nhập thị trường bậc trung Trung Quốc.

Một cách làm bài bản, đồng bộ, từ tốn, một chiến lược marketing khôn khéo (tham khảo chiến lược marketing của Hàn Quốc trong việc thâm nhập và phát triển thị trường) sẽ giúp chúng ta chinh phục thị trường bậc trung Trung Quốc. Bước đi ban đầu này là cực kỳ quan trọng, sai một ly, đi một dặm. Bằng ngân sách nhà nước, có thể tổ chức đấu thầu, thuê một vài nhà cung cấp dịch vụ nghiên cứu thị trường uy tín (Việt Nam và nước ngoài) tiến hành các chiến dịch nghiên cứu thị trường tại các địa bàn khác nhau của Trung Quốc.

Ngoài ra, trong 5 năm đầu, nhà nước nên hỗ trợ một mức % nào đó trên cơ sở doanh số xuất khẩu của các doanh nghiệp, dành cho chi phí nghiên cứu thị trường, hành vi tiêu dùng khách hàng Trung Quốc sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp.

Đương nhiên, bên cạnh doanh số xuất khẩu, các doanh nghiệp này phải trình báo cáo nghiên cứu thị trường của mình tại thị trường Trung Quốc, để ban Chiến lược phát triển thị trường Trung Quốc tập hợp thành tài liệu chung, phổ biến cho các doanh nghiệp có ý định xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khác.

Mỗi thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thẩm Quyến..v.v… nên có các trung tâm xúc tiến thương mại của Việt Nam. Hàng tháng, nên có các báo cáo nghiên cứu thị trường Trung Quốc, phổ biến đến các doanh nghiệp. Tăng cường các hội thảo chuyên đề phân tích về thị trường này. Mua lại các kết quả phân tích về Trung Quốc của các nghiên cứu thị trường lớn, có uy tín.

Điều quan trọng nhất vẫn là ý chí vươn lên của người lãnh đạo, người dân và các doanh nghiệp Việt Nam. Có hay không gót chân Asin, thuyết “Lợi thế so sánh” của David Ricardo có tuyệt đối đúng và còn đúng với thời nay hay không? Những hạn chế của thuyết này vẫn còn giá trị hay không? Tất cả những câu hỏi đó, chỉ có thể được trả lời bằng đúng sự chủ động, phấn đấu vươn lên của chúng ta trong việc tìm hiểu và đáp ứng nhu cầu của những người tiêu dùng bậc trung Trung Quốc.
____________________

1. Nhật Minh (Theo Detroit News). “Thị trường Trung Quốc đáng để mạo hiểm” – Dân trí ngày 7/8/2010.
2. An Huy. Kinh tế thế giới phụ thuộc vào Trung Quốc tới mức nào? Theo VnEconomy ngày 1/11/2010.

(Nguồn: VEF)

Blog của Nguyễn Hữu Quý đã bị tấn công

Hình như Da Vàng Blog có cái duyên thông báo với quý vị tin tức Blog bị tấn công.
Từ Gốc Sậy, Tô Hải, Trương Duy Nhất, Anh Ba Sàm, … và lần này là Nguyễn Hữu Quý.
Theo tôi thì Blog Nguyễn Hữu Quý có nhiều bài viết liên quan đến yếu tố Trung Quốc, và cái hình hiện nay trên trang nhà là … Tần Thủy Hoàng!
Kinh khủng quá. Đúng là thời của … tin tặc!

Nghỉ viết báo viết blog

Chuẩn bị bước qua năm Tân Mão. Tính tuổi mụ theo lối ông bà thì tôi bước sang năm 49. 49 năm, đã qua bao bước cam go. Nhưng năm nay, sẽ là một năm đầy khó khăn và… thử thách!

Tôi chọn mốc năm tuổi đặc biệt để thưa với bạn đọc của mình điều này: Bắt đầu từ nay, Trương Duy Nhất sẽ nghỉ làm báo để viết blog.

Thật ra, tôi đã có ý này từ mấy năm trước. Vì thế, bạn đọc thấy đấy, tôi không coi trang blog của mình là một chiếu rượu hay giản đơn là một cuộc chơi bông lơn. Tôi lập và viết blog với ý thức trách nhiệm hơn cả… viết báo! Tôi chăm chút đêm ngày từng câu chữ, từng dấu phẩy, từng vết vệt xước, cẩn trọng, nâng niu, và cũng đã từng… khóc khi nhìn nó biến mất trên màn hình sau mấy vụ tin tặc cướp đoạt mật khẩu và xóa sạch cách đây vài tháng.

Vì thế với tôi, đó là một quyết định vui và nhẹ nhàng. Để tránh những đồn suy có thể xuất hiện từ chuyện này, tôi xin thưa rõ rằng: việc nghỉ làm báo để viết blog là quyết định chủ động từ tôi, không hề có một yếu tố tác động từ bất cứ ai hoặc cơ quan quản lý nào, cũng như không do bởi từ cơ quan báo nơi tôi công tác.

Trong thời buổi bạn đọc tẩy chay báo, chính người làm báo cũng không thèm đọc báo, mọi giới mọi ngành mọi người mọi nhà, từ gã thường dân đến quan chức hàng nguyên thủ, trung ương ủy viên… ai nấy đều quay sang đọc blog đến nghẽn mạng- Thế thì tại sao lại không nói không với báo, nghỉ làm báo để viết blog?

Liệu có “thằng” nhà báo thứ hai nào đột nhiên ngẫu hứng tự nhìn ngắm lại mình và lựa chọn như tôi?

Mấy năm trước, trong một cuộc nhậu thân tình tại Đà Nẵng, tôi đã lỡ miệng… nói thật với anh Nam Đồng (khi đó đang là Tổng Biên tập tờ Pháp Luật TP HCM) câu này: Sẽ có lúc Trương Duy Nhất tự trả thẻ nhà báo để viết blog! Ông Nam Đồng, thằng Sơn Ka (nhà văn Hoa Ngõ Hạnh) há hốc mồm nhìn tôi không tin vì nghĩ thằng Nhất say!

Trong nhiều năm liền, với chức phận là một nhà báo ăn lương, tôi luôn phải viết cả những điều không muốn viết. Ừ thì cũng như muôn vàn nhà báo khác thế thôi. Đó là những bài báo viết không cần suy nghĩ, không động não, không tư duy, viết khoán cho đủ chỉ tiêu bài vở nhận lương hàng tháng. Những bài báo vô thưởng vô phạt mà tự thân mình phải xấu hổ khi núp dưới bút danh khác.

Nhưng: làm báo chả lẽ mãi như vậy? Trên trang blog của mình, tôi đã nhiều lần treo câu này “Nếu không có quyền nói (viết) tất cả những điều mình muốn, thì ít ra cũng giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”. Đó là câu của cụ Huỳnh Thúc Kháng, người sáng lập đồng thời là chủ nhiệm tờ báo Tiếng Dân, sau này cụ được Hồ Chí Minh cử làm quyền Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Tôi đã chọn cách của cụ Huỳnh trong nhiều năm khi giữ cho mình cái quyền “không nói (viết) những điều người ta ép buộc nói”. Nhưng đã đến lúc tôi chọn phương cách khác, lắc đầu nói không với cụ Huỳnh: Nếu không có quyền nói (viết) tất cả những điều mình muốn, thì… nghỉ làm báo để viết được những điều mình cần viết!

Tôi chọn phương cách nghỉ làm báo để viết blog là vì thế. Tại sao không khi bản đồ chỉ số bạn đọc Trương Duy Nhất blog đã chấm đỏ khắp mọi châu lục, khi mỗi ngày lượng bạn đọc vào trang blog nhiều đến mức khối báo phải ganh tị và nhìn đó là… mục tiêu phấn đấu, khi hiệu ứng xã hội mà một trang blog tạo ra và đem lại đã bỏ quá xa báo chí.

Và điều này cũng cần nói thêm: Tôi chọn phương cách nghỉ làm báo để viết được những điều mình cần viết, không có nghĩa là chiều theo những đoán suy tiêu cực, phản động, chống phá chế độ. Trương Duy Nhất không phải là trang lề trái, càng không phải là trang phản động hay kích động sự thù hằn, chống phá chế độ.

Trương Duy Nhất là trang lề phải và viết theo lẽ phải!

TRƯƠNG DUY NHẤT (Theo Blog Trương Duy Nhất)

Khi ngư dân bỏ biển?

  • TRẦN MINH QUÂN

SGTT.VN – Câu chuyện về thuyền trưởng Mai Phụng Lưu (Lý Sơn, Quảng Ngãi) một lần nữa lại dành được sự quan tâm của dư luận. Lần này không phải là những niềm vui trùng phùng, không cờ hoa, không tràn ngập những nụ hôn như lần trước. Giờ đây, “sói biển” đành chấp nhận bỏ biển sau khi lâm vào cảnh nợ nần sau nhiều lần “đánh cược” với số phận nơi đầu sóng ngọn gió.

“Sói biển” bỏ biển: Từ bỏ vùng biển tổ quốc thiêng liêng

“Sói biển” Mai Phụng Lưu cùng vợ trong ngày trở về 26.10. Ảnh: P.A

Sau 44 ngày bị bắt và lênh đênh trên biển, trải qua biết bao hiểm nguy, khốn khó, tàu của ngư dân Mai Phụng Lưu đã về đến đất liền vào lúc 10 giờ kém 20 phút, ngày 26.10.2010. Mặc dù phải đối diện với nhiều nổi đau cả về thể xác lẫn tinh thần, nhưng khi được phóng viên các báo hỏi: Anh có còn ý định ra khơi nữa không? thì anh Lưu vẫn tuyên bố rằng “Nhất định thế, biển này cha ông để lại cho chúng ta, tại sao chúng ta không bám biển mà từ bỏ. Cho dù tui đã bị bắt đến đến 4 lần, đắng cay cực khổ đã quá nhiều nhưng nhất định chúng tôi sẽ ra khơi!”.

Tuy vậy, sau một thời gian đối diện với các khoản nợ do 4 lần bị Trung Quốc bắt giữ, “sói biển” Mai Phụng Lưu đã phải đành ngậm ngùi từ giã cái nghiệp mà anh đã gắn bó với đời mình hơn 30 năm qua.

Đối với nhiều người, Mai Phụng Lưu được biết đến là một người thuyền trưởng gan dạ, can trường bám biển. Một số báo dẫn lời ngư dân Nguyễn Đảng, gần 70 tuổi, người đã nhiều lần cùng Mai Phụng Lưu đạp lên đầu sóng ngọn gió ra khơi thì “Thằng cha Lưu đi biển thuộc từng hòn đảo, từng rặng san hô ngầm. Lái thuyền lượn quanh các đảo như người ta đi xe máy tránh ổ gà trên những đoạn đường quen gần nhà. Anh em đi với nó rất khoái. Nhưng cũng không có thằng cha nào can đảm như cha này, bị Trung Quốc bắt nhiều lần mà vẫn không ngán, vẫn ra khơi”.

Tin “sói biển” giờ phải đành ngậm ngùi bỏ biển khiến không ít người phải cảm thấy xót thương và tiếc nuối. Rồi đây, trên từng ngọn sóng của biển đảo quê hương sẽ vắng bước chân anh, một ngư dân đầy kinh nghiệm, người thuyền trưởng lão luyện, luôn hết lòng vì các thuyền viên của mình và nhất là người luôn dành cho biển đảo quê hương tình yêu bao la.

Nhìn gương mặt sạm nắng gió của anh, thực sự khó có thể tin nổi người đàn ông giàu nghị lực chưa hề sợ bão tố của biển, nhưng giờ đây, sự can trường trong anh đã mất, nghị lực của anh đã cạn trước những bão tố của cuộc đời.

Hơn thế nữa, sự bỏ biển của anh cũng có thể làm ảnh hưởng đến sự tự tin của nhiều ngư dân khác trước quyết định ra khơi đánh bắt xa bờ. Và ai cũng biết rằng chính những ngư dân đang âm thầm bám biển nơi đầu sóng ngọn gió là minh chứng hùng hồn nhất cho chủ quyền lãnh thổ nước nhà.

Bỏ biển, cũng đồng nghĩa với việc Mai Phụng Lưu sẽ mãi rời xa những vùng biển thân yêu của tổ quốc ở ngoài biển xa xôi, như anh đã từng khẳng định: “Tôi mạo hiểm, tôi luôn muốn đi xa hơn mọi người, nhưng tất cả đều nằm trong vùng biển Việt Nam. Tôi không xâm phạm những vùng biển cấm”.

Lối đi nào cho ngư dân đánh bắt xa bờ

Hiện nay việc khai thác xa bờ tại các ngư trường xa đang gặp rất nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi phương tiện phục vụ cho đánh bắt xa bờ như tàu thuyền, ngư cụ không đảm bảo an toàn trước sóng to gió lớn bất thường. Ảnh: A.B

Với bờ biển dài khoảng 3.260 km, trong đó có 28 tỉnh thành có bờ biển, hơn 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm lực lớn về kinh tế biển. Theo các nhà chuyên môn, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia trên thế giới, có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ (chưa kể đến một số đảo). Bình quân cứ 100km2 đất liền có 1km bờ biển, cao gấp sáu lần chỉ số trung bình của thế giới.

Vùng biển Việt Nam có hệ sinh thái và tài nguyên sinh vật phong phú, đến nay đã phát hiện hơn 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc về sáu vùng đa dạng sinh học biển và nhiều loại động vật quí hiếm khác.

Về nguồn lợi hải sản, trữ lượng cá toàn vùng biển Việt Nam ước tính khoảng 4,2 triệu tấn, với ngưỡng khai thác bền vững 1,4 – 1,7 triệu tấn/năm. Việt Nam hiện đang được xếp thứ 12 thế giới về năng lực khai thác hải sản.

Với những đặc điểm thuận lợi về vị trí địa lý, tiềm năng về nguồn lợi hải sản nêu trên nhưng hiện nay thực trạng khai thác hải sản của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Nghề đánh bắt cá trên biển của ngư dân Việt Nam đã được hình thành từ rất lâu và được xem là ngành nghề truyền thống của những người sống ven biển. Tuy nhiên đa phần đều thuộc dạng tự phát, nhỏ lẻ. Phương tiện đánh bắt chủ yếu là các thuyền cỡ nhỏ, thích hợp cho việc đánh bắt ở vùng nước nông, gần bờ.

Hiện nay việc khai thác xa bờ tại các ngư trường xa như tại khu vực quần đảo Hoàng Sa đang gặp rất nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro, có cả các yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Trong đó một phần do phương tiện phục vụ cho đánh bắt xa bờ như tàu thuyền, ngư cụ không đảm bảo an toàn trước sóng to gió lớn bất thường, phần còn lại là do những hiểm nguy thường trực trước tình trạng bắt bớ, đánh đập, tịch thu trang thiết bị máy móc của các tàu thuyền lớn nước ngoài đối với các ngư dân Việt Nam diễn ra liên tục trong thời gian qua.

Ngoài những khó khăn và rủi ro, để đạt hiệu quả cao khi đánh bắt cá xa bờ thì rất cần những ngư dân can trường bám biển, dàn dạn kinh nghiệm, đặc biệt là phải hiểu rõ các quy luật tự nhiên và phải thuộc nằm lòng các đường đi, các tảng đá ngầm có thể gây nguy hiểm cho tàu thuyền giữa biển cả bao la.

Để đánh bắt cá xa bờ, rất cần những ngư dân có đầy đủ “bản lĩnh” dày dạn kinh nghiệm như “sói biển” Mai Phụng Lưu. Ngoài ra cũng rất cần có những phương tiện hiện đại, sự cam kết đảm bảo được an toàn về tài sản và tính mạng của ngư dân từ các cơ quan chức năng.

Hiện nay, khi các ngư trường ven bờ đang bị khai thác triệt để, thiếu tính bền vững thì việc tiếp cận và khai thác tại các ngư trường xa là yêu cầu thiết yếu hơn bao giờ hết.

Nếu những ngư dân cả đời gắn cuộc sống của mình với biển thì nay đành bó tay trước những khó khăn mà phải đành bỏ biển thì ngành đánh bắt hải sản, một ngành mà được cho là lợi thế của Việt Nam sẽ phát triển như thế nào? Và cuộc sống của những ngư dân và gia đình của họ cả đời mình đã gắn chặt với biển sẽ ra sao? Những câu hỏi này đang rất cần câu trả lời của các nhà chức năng.

Muốn chinh phục và khai thác hiệu quả nguồn lợi từ biển, đồng thời đảm bảo được tài sản và tính mạng của ngư dân, nên chăng phải có những tầm nhìn xa, có chiến lược lâu dài và hiệu quả. Khi đó biển Việt Nam mới thực sự xứng đáng với câu “rừng vàng, biển bạc” và đời sống của những ngư dân ngày đêm bám biển, đang âm thầm khẳng định chủ quyền của Việt Nam nơi xa khơi không còn bạc bẽo.

(Nguồn: SGTT)

Chúc mừng năm mới 2011


Nhân dịp năm mới 2011. Da Vàng Blog xin kính chúc quý vị thân hữu gần xa sức khỏe, thành công, anh bình và hạnh phúc.

Da Vàng Blog bị “chặn” đủ đường

Thân chào quý vị bạn đọc gần xa.
Đầu tiên, Da Vàng Blog xin chân thành cảm ơn quý bạn bè thân hữu gần xa đã ghé thăm và ủng hộ trong thời gian qua.
Da Vàng và cũng như các trang blog khác được lập ra, đăng tin bài với một mong muốn duy nhất là góp thêm tiếng nói để cùng làm cho xã hội VN ngày một tốt đẹp hơn.
Trong mấy ngày gần đây, có một sự thật đáng buồn và rất khó hiểu khi Da Vàng Blog đã bị chặn bởi các nhà cung cấp mạng như VNPT, FPT, Mạng điện lực, …
Do đó trong thời gian vừa qua không có tin bài mới phục vụ bạn đọc.
Mong quý độc giả gần xa cảm thông và chia sẻ cùng chúng tôi!
Hy vọng rằng thông tin này sẽ đến tai với các nhà cung cấp hoặc có ai có thông tin gì thì báo tin giúp.
Chân thành cảm ơn!

Da Vàng Blog kính thư!

Bị bắt vì “dám” bán hàng cho Chủ tịch Kim

Một doanh nhân người Áo đã bị phạt 3,3 triệu euro và 9 tháng tù giam vì đã bán hàng xa xỉ cho các nhà lãnh đạo Triều Tiên dùng để tặng sinh nhật nhà lãnh đạo Kim Jong-il. Tuy nhiên, tên của doanh nhân này không được tiết lộ.

Tòa án hình sự Vienna cho biết, doanh nhân này đã vi phạm lệnh cấm vận thương mại quốc tế được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua trong Nghị quyết 1874 năm 2009. Theo Nghị quyết này, Triều Tiên sẽ phải chịu lệnh trừng phạt kinh tế và thương mại, bao gồm cả việc các nước khác cũng bị cấm bán các loại hàng hóa cao cấp cho Triều Tiên.

Chủ tịch Kim Jong-il
Chủ tịch Kim Jong-il

Tiếp tục đọc

Tổng Biên tập Vietnamnet sắp từ chức?

Ngày 8-12, ông Nguyễn Anh Tuấn – Tổng Biên tập báo điện tử Vietnamnet cho Dân Việt biết, ông sắp có tuyên bố về chuyển giao công tác lãnh đạo…

Cuộc tấn công trả đũa?

Tổng Biên tập Vietnamnet – ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết cơ quan an ninh thường xuyên trao đổi thông tin với Vietnamnet về nghi phạm gây ra vụ việc tấn công vào hệ thống của trang báo điện tử hàng đầu Việt Nam này. Sau vụ tấn công rạng sáng 6-12, cơ quan an ninh đã có trao đổi với hai cán bộ của Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC.

Ông Nguyễn Anh Tuấn

Trao đổi với Dân Việt, Giám đốc VASC Nguyễn Văn Hải cho hay, trong ngày 7-12 không có cuộc làm việc chính thức nào của cơ quan an ninh với Giám đốc và Kế toán trưởng của VASC như tin đồn, cũng không có thông tin gì về việc cán bộ của VASC liên quan tới vụ tấn công Vietnamnet. Tiếp tục đọc

Wikileaks – đòn khổ nhục kế của tình báo Mỹ?

Để rộng đường dư luận. Da Vàng Blog xin đăng bài viết của độc giả Hoàng Long (E-mail: hoanglonglawyer13@yahoo.com) từ CHLB Đức nhờ đăng. Hy vọng nhận được sự chia sẻ và tranh luận của bạn đọc.

  • Tác giả: Hoàng Long
Biểu tượng Wikileaks

Vụ Wikileaks đang gây nhiều tranh luận và đây cũng là một bài học nữa cho người Việt chống cộng.

Hôm 18.11.2010, ông Alan Camitz, một thẩm phán tại tòa án khu vực Stockholm ở Thụy Điển đã ra lệnh cho Julian Assange, người Úc, đang ở Thụy Điển, phải lưu lại ở xứ này vì bị nghi ngờ tội hiếp dâm và xâm phạm tình dục hai phụ nữ. Ông nói Assange đang bị câu lưu vắng mặt (detain in absentia) và một trát truy nã quốc tế (international arrest warrant) sẽ được ban hành.

Được biết, vào tháng 7 vừa qua, Julian Assange đã cho tung lên website Wikileaks.org của ông khoảng 92.000 tài liệu mật về cuộc chiến tranh Afghanistan. Hôm 17.10.2010, Julian Assange lại cho tung thêm 400.000 tài liệu mật liên quan đến cuộc chiến Iraq. Đây là những tài liệu chưa hề được tiết tộ.

Ngày 21.8.2010, văn phòng Công tố viện Thụy Điển cũng đã phát lệnh truy nã Julian Assange về tội hiếp dâm, nhưng chỉ vài giờ sau đó lệnh này đã được thu hồi với lý do không đủ yếu tố để buộc tội.

Người Việt chống cộng thường hay bị đánh lừa do những tin tình báo giả có, thật có, do CIA và Việt Cộng tung ra, nên thường trúng kế địch. Ngay cả những những tài liệu giả do văn công Việt Cộng viết về Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn, v.v.,  người Việt chống cộng cũng tin là thật và trích dẫn búa xua để phang nhau!

Trong vụ Wikileaks, để làm sáng tỏ vấn đề, trước hết, chúng tôi xin nói qua vai trò của Julian Assange và những tin mật mà đương sự đã tung ra, sau đó thử bàn xem CIA định chơi trò gì.

VÀI DÒNG VỀ JULIAN  ASSANGE

Julian Paul Assange sinh năm 1971, là một nhà hoạt động internet và nhà báo người Úc. Ông ta cũng là một sinh viên vật lý và toán học, một hacker và một lập trình viên máy tính. Tiếp tục đọc