Vụ án hy hữu về cháu bé 13 tuổi bị hiếp dâm tại Sơn La: Ai gieo tai họa lên đầu mẹ goá, con côi

PV ĐS &PL đang làm việc với BGH trường THCS Quyết Thắng.

* Con bị hiếp, mẹ bị bắt – An oán suýt bị che mờ!

Sau khi bị một thanh niên hiếp dâm, cháu H.V (SN 1997, học sinh lớp 8, phường Quyết Thắng, TP Sơn La, tỉnh Sơn La) lâm vào tình trạng hoảng loạn. Những tưởng hoàn cảnh éo le của cháu sẽ được pháp luật bảo vệ, ai ngờ, từ đây lại thêm một tai hoạ khủng khiếp rơi xuống đầu mẹ con cháu H.V. Do những bất thường trong vụ án, VKSND Tối cao đã có công văn yêu cầu VKSND Sơn La vào cuộc, làm rõ.

Từ người bị hại…

Vốn là một học sinh ngoan, hoạt bát trong giao tiếp và nhiệt tình tham gia các phong trào sinh hoạt ngoại khoá của trường (tham gia đội nghi lễ, đánh trống…), cháu H.V được cô giáo chủ nhiệm và bạn bè cùng lớp tín nhiệm phân công làm lớp trưởng 2 năm liên tiếp (lớp 6 và 7). Mẹ H.V là cô Bùi Thị Đức – giáo viên dạy môn thể dục tại trường THCS Quyết Thắng. Do hoàn cảnh éo le, chồng mất sớm, mẹ con cô giáo Đức sống trong cảnh mẹ goá con côi. H.V còn có một người chị gái đang là sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Luật Hà Nội. Tiếp tục đọc

‘Sở hữu toàn dân’, cơ hội béo bở cho lợi ích nhóm?

Theo PGS.TS Phạm Duy Nghĩa (Đại học Kinh tế TP.HCM), cái mũ sở hữu toàn dân đã tạo cơ hội cho khai thác lợi ích nhóm và tư nhân hóa tài sản quốc gia diễn ra trên diện rộng và khá nhanh. Cần xác lập sở hữu quốc gia và sở hữu của chính quyền địa phương thay cho khái niệm sở hữu toàn dân.

Trao đổi bên lề Diễn đàn Đối tác pháp luật về tăng cường tiếp cận công lý do UNDP tổ chức hôm qua (13/9), ông Nghĩa nói: 20 năm cải cách ở Việt Nam đã bảo hộ tương đối tốt sở hữu tư nhân, nhất là ở các đô thị.  Tuy nhiên, những vấn đề khác cần thảo luận, chẳng hạn sở hữu toàn dân với đất đai cần thảo luận từ khía cạnh việc bảo vệ quyền lợi mong manh của người nông dân trước các thế lực nhòm ngó.

Mô tả ảnh.
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, khoa Luật & chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, ĐH Kinh tế TP.HCM

Thứ hai, sở hữu công cộng bao gồm bờ biển, hầm mỏ, không khí công cộng, là tài sản quốc gia để lại nhưng hiện nay đang được khoanh vùng tư nhân hóa rất nhanh.

Lĩnh vực thứ ba là sở hữu các tập đoàn nhà nước, hiện cũng đang là vấn đề.

Tiếp tục đọc

Để dân trao quyền mà không mất quyền

Tác giả: Tương Lai

Làm cho Hiến pháp thực sự là bộ luật cao nhất, quan trọng nhất chỉ đạo sự vận hành đời sống xã hội, là minh chứng sống động về trình độ dân chủ và văn minh mà dân ta đạt được.

LTSĐảng ta chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một trong những điều kiện và môi trường tiên quyết của một quốc gia tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và một xã hội phát triển tiên tiến. Đó là Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, tăng cường pháp chế, xử lý nghiêm minh kịp thời mọi vi phạm pháp luật nhằm thực hiện và bảo vệ được các quyền tự do dân chủ, đặc biệt là quyền tự do kinh doanh và lợi ích hợp pháp của nhân dân, ngăn ngừa mọi sự tuỳ tiện lạm quyền từ phía cơ quan nhà nước, cán bộ công chức nhà nước, đồng thời ngăn ngừa hiện tượng dân chủ cực đoan, vô kỷ luật, thiếu kỷ cương. Đó là Nhà nước mà mọi tổ chức, hoạt động phải dựa trên cơ sở pháp luật, tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước công dân về mọi hoạt động của mình.

Quốc khánh năm nay, đánh dấu 65 năm lập quốc, Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết của GS Tương Lai vừa gửi tới có tựa đề: Nhân ngày Quốc khánh nghĩ về Hiến pháp để bạn đọc cùng thảo luận.

>> Cựu Bộ trưởng Tư pháp bàn về Dân chủ và Pháp quyền
>> Những âm vang lịch sử
>> Cảm nhận mùa thu tháng Tám

Những trải nghiệm thực tiễn của 65 năm qua, kể từ Cách mạng Tháng Tám 1945, càng thấm thía một điều mà ngày 3/9/1945, tức là chỉ một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Bác Hồ đã nêu lên: “Trước chúng ta bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ1.

Để loại bỏ tận gốc ách chuyên chế dưới mọi hình thức nhằm thực hiện tự do dân chủ trong đời sống cụ thể của người dân, chứ không chỉ bằng những câu chữ trong văn bản hay trong những lời rao giảng, thì phải hiểu rõ ý nghĩa của Hiến pháp trong đời sống của một dân tộc trong một quốc gia độc lập. Một nền độc lập đã được giành lại bằng núi xương, sông máu của nhiều thế hệ Việt Nam.

Hiểu rõ để đấu tranh cho Hiến pháp được thực thi trong cuộc sống thường nhật của mỗi công dân, mỗi cộng đồng và toàn xã hội. Hiểu rõ để không một cá nhân, một tổ chức nào được đứng trên Hiến pháp vì, đúng như sự khẳng định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Hiến pháp là sự biểu hiện tập trung nhất ý chí của một dân tộc, kỷ cương của một đất nước2. Làm cho Hiến pháp thực sự là bộ luật cao nhất, quan trọng nhất chỉ đạo sự vận hành đời sống xã hội, là minh chứng sống động về trình độ dân chủ và văn minh mà dân ta đạt được.

Vì thế, nghiêm cẩn thực thi Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp đang là một đòi hỏi của sự nghiệp phát triển đất nước trong thời đoạn lịch sử của những thách thức và vận hội chưa có tiền lệ.

“Quyền hành và lực lượng đều nơi dân”

Tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, nhiều vị đại biểu Quốc hội đã đề nghị sửa một cách cơ bản một số điều của Hiến pháp hiện hành để có thể cải cách các Luật Tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Tòa án nhân dân…. Tiếp tục đọc

Việc nước mà dân không biết thì không thể dân chủ được

“Công việc của đất nước mà lọt vào tay một số người nào đó, người dân không biết gì cả thì không thể dân chủ được. Dân chủ là người dân được hưởng quyền tự do dân chủ nhưng đồng thời một trong những quyền đó là quyền tham gia vào những công việc của xã hội, tham gia quyết định công việc xã hội”, nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc nói tại bàn tròn trực tuyến.

>> Phần 1

LTS: Nhân kỉ niệm 65 năm Quốc khánh, Tuần Việt Nam trích thuật tiếp phần 2 nội dung bàn tròn trực tuyến với nguyên Bộ trưởng Tư pháp, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Lộc như một suy ngẫm, góc nhìn đáng tham khảo về những bước đi của Đất nước – Dân tộc trên con đường hiện thực hóa những tư tưởng và mục tiêu cao đẹp về một Việt Nam Dân chủ – Độc lập – Tự do – Hạnh phúc mà Bác Hồ đã long trọng tuyên bố trước muôn triệu người dân cũng như bạn bè thế giới sáu mươi lăm năm về trước.

Như ông Nguyễn Đình Lộc nhiều lần nhấn mạnh, những góc nhìn của ông có thể đôi chỗ “khó nghe” hoặc cần phải tranh luận thêm, nhưng ông cũng mạnh dạn đưa ra, với tư cách một người gắn bó máu thịt với chế độ này, như một sự xới xáo vấn đề một cách nghiêm túc, trên tinh thần tôn trọng ý kiến khác biệt mà Đảng luôn kêu gọi.

Phải đổi mới căn bản cơ chế bầu cử hiện nay

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ông cho rằng chúng ta phải hiểu đúng và phải thực thi dân chủ, phải làm dân chủ một cách thực chất, vậy theo ông chúng ta phải thực thi bằng cách nào, và bắt đầu từ đâu?

Ông Nguyễn Đình Lộc: Khi nói đến dân chủ, trước hết là nói đến những quyền tự do dân chủ của người dân.

Hẳn nhiều người còn nhớ, ngày mồng 3/9 khi chính phủ đầu tiên họp, Bác Hồ đã nêu những nhiệm vụ cần làm ngay, trong đó có một ý rằng phải có một Hiến pháp, nhưng nhiều người lại chưa chú ý rằng Bác không nói Hiến pháp nói chung mà Bác đã nói rất kỹ rằng: “Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”. Cái chữ dân chủ là cơ bản.

Sau đó chính Bác là người tổ chức xây dựng Hiến pháp mới, Hiến pháp đầu tiên của nước ta, và xét về quyền tự do dân chủ của dân, thì Hiến pháp 46 cho đến giờ là một mẫu mực. Có thể nói bất cứ quyền gì mà trình độ tiến bộ thế giới về mặt dân chủ lúc bấy giờ người dân có thể được hưởng thì Hiến pháp 46 đều quy định, không thiếu quyền gì.

Bây giờ, chúng ta cứ nói nhiều đến Hiến pháp 46, một trong những lý do cơ sở cũng là vì đó là lần đầu tiên VN có Hiến pháp, mà Hiến pháp đó lại có nội dung về mặt dân chủ rất hoàn chỉnh, rất đầy đủ quyền tự do dân chủ của người dân.

Nhưng nói dân chủ thì không đơn thuần là những quyền như thế mà còn là mối quan hệ giữa nhà nước với người dân. Cơ chế người dân hưởng quyền dân chủ, đồng thời còn có thể tham gia vào việc quyết định công việc của đất nước. Vấn đề này rất cơ bản. Công việc của đất nước mà lọt vào tay một số người nào đó, người dân không biết gì cả thì không thể dân chủ được. Dân chủ là người dân được hưởng quyền tự do dân chủ nhưng đồng thời một trong những quyền đó là quyền tham gia vào những công việc của xã hội, tham gia quyết định công việc xã hội.

Nhưng, chúng ta có hơn 86 triệu dân, hoặc như Trung Quốc hơn 1,3 tỷ dân, nếu nói rằng người dân có quyền giải quyết, quyết định công việc đất nước, nhưng 86 triệu hay 1,3 tỷ dân như vậy thì giải quyết thế nào? Cho nên chúng ta phải có cái gọi là dân chủ đại diện, tức là người dân để thực hiện quyền quyết định công việc đất nước của mình chọn ra một số người, bầu ra một số người, giao quyền quyết định cho họ, từ đó mới có chế độ đại diện và mới có Quốc hội. Quốc hội chính là cơ quan thay mặt cho dân, được dân chọn ra và thay mặt cho dân quyết định công việc đất nước. Tức là quyền vẫn là quyền của dân chứ không phải quyền của đại biểu.

Lâu nay, người ta nói Hiến pháp hiện hành của chúng ta có vấn đề vướng, ví dụ nói “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”. Nói như thế đúng quá! Nhưng vấn đề là có quyền lực rồi thì anh làm gì, anh thực hiện quyền lực đó như thế nào? Chúng ta vẫn nói rằng là tất cả quyền lực thuộc về nhân dân nhưng thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Nói 2 câu ấy cũng đúng! Nhưng thực chất như thế nào?

Vấn đề rất lớn hiện nay chúng ta phải giải quyết, theo tôi hiểu, đó chính là làm thế nào cho chế độ đại diện bầu cử phải thực sự trở thành cơ chế thực sự dân chủ, mặt này chúng ta làm được còn nhiều hạn chế. Chuyện này tôi đã nói ở nhiều nơi, nhưng hôm nay, tại đây, tôi nói chính thức rằng nếu không cẩn thận thì chính chúng ta đang chơi trò chơi dân chủ. Vì sao?

Tôi đã 75 tuổi rồi, đi bầu cử rất nhiều lần, đã thấy chúng ta bầu Quốc hội như thế nào? Đến ngày bầu cử, chúng ta vào phòng bỏ phiếu; chúng ta được xem một danh sách ứng cử viên; chúng ta cũng đọc lý lịch ông này, bà kia; rồi chúng ta chọn… như thế là dân chủ quá rồi còn gì nữa. Nhưng thực ra đó cũng chưa phải là dân chủ, ở chỗ cái danh sách đó: Ai đưa ra? Đó là Mặt trận tổ quốc, là Ban bầu cử; Nhưng danh sách đó ở đâu ra?…. Nhiều khi hỏi anh em, anh em cũng giật mình, bản thân mình cũng giật mình, là khi sáng bầu xong, tối vui miệng hỏi nhau bầu cho ai thì không mấy ai còn nhớ.

Và suốt 5 năm cuả nhiệm kỳ đó, mấy ai trong chúng ta gặp lại đại biểu do mình bầu không? Trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, các đại biểu đều có gặp gỡ và báo cáo tiếp xúc cử tri, nhưng đó cũng là cuộc gặp của những người lựa chọn. Sau lưng từng đại biểu Quốc hội, từng đại biểu Hội đồng nhân dân là hàng vạn cử tri. Nhưng có bao nhiêu người được lựa chọn ra cái danh sách đó.

Chính các nhà báo hỏi tôi: người dân có vấn đề gì thì nghĩ đến ai? có nghĩ đến đại biểu của mình không? Không- tôi đã trả lời như vậy.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuần và cựu bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc (trái) tại bàn tròn trực tuyến. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Tiếp tục đọc

Nhân dân có quyền phúc quyết hiến pháp

Nhiều nhà nghiên cứu, xây dựng pháp luật cho rằng: Các Hiến pháp sửa đổi, bổ sung sau này đã có sự thay đổi rất lớn khi quyền lập hiến từ dân được chuyển sang Quốc hội.

* Bản hiến pháp “vang vọng tiếng dân”

Đó là “sự xa rời rất lớn, rất cơ bản về người chủ đích thực của đất nước”.

Lời nói đầu của Hiến pháp 1946 ghi rõ: “Được quốc dân trao cho trách nhiệm thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc hội nhận thấy rằng…”.

Quốc hội tự giao quyền lập hiến cho mình?

Như vậy, chủ thể của quyền lập hiến (làm hiến pháp) là quốc dân. Quốc hội được quốc dân bầu ra để ban hành Hiến pháp 1946 là Quốc hội lập hiến, không phải là Quốc hội lập pháp. Còn “Nghị viện nhân dân” ở chương III là Quốc hội lập pháp, “đặt ra pháp luật”; chứ Hiến pháp không quy định Nghị viện nhân dân có quyền lập hiến.

Hiến pháp 1946 không cho phép cơ quan nào của chính quyền đơn phương sửa đổi Hiến pháp. Điều 70 của Hiến pháp 1946 quy định: “Sửa đổi Hiến pháp phải “do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu”, “Nghị viện bầu ra một Ban dự thảo những điều thay đổi” và đặc biệt, “những điều đã được thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết”.

Nhưng các Hiến pháp sửa đổi sau này lại quy định Quốc hội có quyền lập hiến.

Cụ thể, Điều 43, 44 và 50 của Hiến pháp 1959 ghi: “Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, là cơ quan duy nhất “có quyền lập pháp”, có quyền “làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp”.

Điều 6 của Hiến pháp 1980 quy định: “Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và HĐND là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân”.

Điều 82 của Hiến pháp 1980 và Điều 83 của Hiến pháp 1992 quy định: “Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp”…

Nhân dân Hà Nội bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa I ngày 6-1-1946. Ảnh: TƯ LIỆU

Tiếp tục đọc

Bản hiến pháp “vang vọng tiếng dân”

LTS: Trong nhiều thành tựu mà nhà nước cách mạng non trẻ đạt được sau khi giành chính quyền 1945 có một “tài sản” đặc biệt:

Bản hiến pháp đầu tiên của một nhà nước độc lập được soạn thảo bởi những người mang tư tưởng tự do, bình đẳng, dân chủ, đồng thời là những người đầu tiên điều hành nhà nước. Đến nay, sau hơn nửa thế kỷ, nhiều tư tưởng mang tầm thời đại của Hiến pháp 1946 vẫn được nghiên cứu, soi rọi. Không có tham vọng đánh giá toàn bộ văn bản này, loạt bài của Pháp Luật TP.HCM hy vọng như những lát cắt để người đọc hiểu thêm tầm vóc tư tưởng của những con người áo vải đã dám “tuyên bố với thế giới” về quyền bình đẳng của mình.

Nói về Hiến pháp 1946, rất nhiều người cho rằng đó là hiến pháp nhân bản nhất, dân chủ nhất và đoàn kết dân tộc nhất. Không chỉ thế, bản hiến pháp đầu tiên của Việt Nam còn được hình thành, soạn thảo và thông qua trong một hoàn cảnh lịch sử đầy cam go, gian khổ nhưng vẫn đảm bảo tinh thần “dân là gốc”, dân là tất cả.

Dấu ấn Hồ Chí Minh

Theo PGS-NGND Lê Mậu Hãn, “nói tới Hiến pháp 1946 là phải nói tới Hồ Chí Minh và cuộc Tổng tuyển cử 1946”. Bản hiến pháp đầu tiên của Việt Nam ra đời năm 1946 nhưng tư tưởng của Hồ Chí Minh về một nhà nước dân chủ cộng hòa, một chính quyền của toàn dân thì đã hình thành từ rất lâu trước đó. Ngay từ năm 1919, khi gửi “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” đến Hội nghị Versailles, Người đã thể hiện tư tưởng lập hiến của mình. Trong tám điều yêu sách, điều thứ bảy yêu cầu phải có hiến pháp cho nhân dân Việt Nam: “Bảy xin hiến pháp ban hành/ Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” (Việt Nam yêu cầu ca – diễn ca của bản yêu sách do Hồ Chí Minh soạn để tuyên truyền).

Ngày 3-9-1945, chỉ một ngày sau lễ tuyên bố độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói tới việc “phải có một hiến pháp dân chủ” và đề nghị Chính phủ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để bầu ra Quốc dân đại hội xây dựng hiến pháp.

Các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa I trong lễ ra mắt cử tri tại Việt Nam học xá (nay là trường Đại học Bách khoa Hà Nội). (Ảnh tư liệu trong sách ảnh 60 năm chính phủ Việt Nam của Nhà xuất bản Thông Tấn) Tiếp tục đọc

Thanh tra “trùng trùng điệp điệp” nhưng hiệu quả thấp

Dự luật Người khuyết tật: Vẫn thiếu chế tài. Sáng 16-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về dự luật Thanh tra (sửa đổi).

Trình bày thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho rằng Thanh tra Nhà nước là cơ quan ngang bộ, chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý thống nhất trên cả nước về ngành, lĩnh vực được phân công. “Thế nhưng dự luật lại quy định cơ quan này có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như một văn phòng tham mưu giúp việc cho Thủ tướng (báo cáo, đôn đốc, kiểm tra). Tương tự, cơ quan thanh tra các cấp chịu sự chỉ đạo trực tiếp của thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp… Đây là mâu thuẫn cần nghiên cứu để có giải pháp phù hợp”. Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cũng cho rằng “Thanh tra Chính phủ xứng đáng là cơ quan ngang bộ”?!

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nói: “Ta không giống như một số nước nhưng thanh tra cần có tính độc lập tương đối. Thực tế, thanh tra có hệ thống bốn cấp ăn lương nhưng nhiều việc cứ đẩy lên xin ý kiến Thủ tướng, đổ hết trách nhiệm cho Thủ tướng mà lẽ ra thanh tra phải chịu trách nhiệm chính. Khi phát hiện vi phạm, thanh tra phải có quyền xử lý” – ông đề xuất.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Quang Bình bộc trực: “Bộ máy thanh, kiểm tra “trùng trùng điệp điệp” nhưng hiệu quả không cao. Xây dựng trái phép đầy, môi trường nhiều nơi bị ô nhiễm. Có vụ thanh tra “đoàn ra đoàn vào” nhưng không phát hiện sai phạm, chỉ sau khi dân khiếu kiện mới vỡ ra…

Với con số cả vạn thanh tra thuế, xây dựng… ở tổng cục, cục, chi cục, ông Lê Quang Bình và TS Đinh Xuân Thảo (Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp) cho rằng việc lập nhiều thanh tra chuyên ngành là trái Luật Thanh tra 2004. “Quốc hội không ai kiến nghị phình bộ máy ở dưới cả” – ông Bình nói.

Ông Nguyễn Văn Thuận cho rằng không nên lập thanh tra chuyên ngành mà lồng ghép “hai trong một”, cán bộ quản lý cục, vụ kiêm luôn thanh tra. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thì đề nghị lập thanh tra chuyên ngành đến cấp cục. Bà lấy dẫn chứng, quản lý dược, an toàn thực phẩm “diễn ra hằng ngày” cần tăng cường thanh kiểm tra. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên thì có quan điểm mở hơn, “đòi hỏi quản lý có hiệu quả, phình bộ máy vẫn phải chấp nhận”.

Ông Nguyễn Văn Thuận còn cho rằng có sự chồng chéo, dẫm chân nhau giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.…

Có nhiều ý kiến trái chiều nên Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề xuất ban soạn thảo nên đưa ra vài phương án để trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới.

l “Hạn chế của dự luật Người khuyết tật lần thứ tám là còn thiếu chế tài với các chủ thể không thi hành luật. Dự luật có tới 21 lần dùng từ “tạo điều kiện”, bảy lần dùng từ “khuyến khích”, dễ tạo cảm giác chung chung, hô khẩu hiệu. Dự luật có 10 chương, 55 điều mà không quy định một chế tài nào” – ông Nguyễn Đăng Dung, Viện phó Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển (VUSTA), phát biểu tại hội thảo đóng góp ý kiến cho dự luật Người khuyết tật ngày 15-4.

VĂN TIẾN – BẢO PHƯỢNG

Bàn về đa đảng

Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ

gửi cho BBC từ Hà Nội

Trong Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, phần Lý lịch của Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Đinh, Lê Thăng Long – bị truy tố về “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại Điều 79 Bộ Luật hình sự, có ghi: “Đảng phái chính trị: Không”.

Điều này có nghĩa: ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam còn có những đảng phái chính trị khác và những người trên không tham gia bất kỳ đảng phái chính trị nào, kể cả Đảng Cộng sản Việt Nam!

Quả là sấm nổ giữa trời quang vì từ trước tới nay, từ những đảng viên cộng sản đến những người chống cộng, từ trong nước ra ngoài nước, từ phương Đông đến phương Tây, đều có suy nghĩ được “mặc định” rằng ở Việt Nam chỉ có một đảng phái chính trị duy nhất: Đảng Cộng sản Việt Nam!

Và với vị thế “duy nhất” này thì chả tuyên truyền ai cũng hiểu đảng này hiện độc quyền lãnh đạo Việt Nam.

Quy định trong hiến pháp

Điều 4 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Vậy là rõ, Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam nhưng cũng rõ là không phải đảng phái chính trị duy nhất bởi không có câu, từ nào quả quyết như vậy!

Nói cách khác, chế độ “đa đảng” đã hiển hiện ngay trong Hiến pháp và Viện kiểm sát tối cao về điểm này đã tuyệt đối trung thành với Bộ Luật cao nhất của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Để nói, tất thảy những khẳng định theo đó ở Việt Nam chỉ có một đảng phái chính trị duy nhất là Đảng cộng sản Việt Nam để rồi đổ cho nhà cầm quyền là “Độc tài”, là “phản Dân chủ”… quyết không thể đúng sự thật và trong trường hợp này hẳn là giọng lưỡi của “các thế lực thù địch” âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân thoát thai từ các cuộc tổng tuyển cử tự do và đa đảng hoặc của những kẻ bị các thế lực hắc ám nói trên “diễn biến hòa bình”!

Không có bất cứ Hiến pháp nào của Việt Nam quy định Đảng cộng sản Việt Nam và những tiền thân của đảng là đảng phái chính trị duy nhất cũng như trên thực tế đã có nhiều đảng phái chính trị khác, hoặc đối lập, hoặc “anh em”, hoạt động song song.

TS Cù Huy Hà Vũ

Vả lại, điều không kém phần quan trọng là chế độ “đa đảng” bao hàm trong Hiến pháp Việt Nam năm 1992 hoàn toàn “khớp” với ba Hiến pháp tiền bối – 1946, 1959, 1980 – của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và hậu sinh Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà thân sinh của người viết bài này, Bộ trưởng Cù Huy Cận, cả ba lần đều là Tổng thư ký hoặc thành viên Uỷ ban soạn thảo.

Hiến pháp năm 1946 không hề nhắc tới đảng phái chính trị nhưng trên thực tế Quốc Hội khoá I bao gồm thành viên các đảng phái: Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội (Việt Minh), Đảng Dân chủ, Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc), Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Việt Cách) bên cạnh các thành viên không đảng phái.

Hiến pháp năm 1959 trong Lời nói đầu có nói tới “sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Lao động Việt Nam” tuy các Điều, Khoản không hề đề cập đến đảng phái chính trị. Mặc dầu vậy có một thực tế là ngoài Đảng Lao động Việt Nam còn có Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội hoạt động một cách công khai.

Hiến pháp năm 1980 tại Điều 4 quy định: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam, được vũ trang bằng học thuyết Mác – Lênin, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội, là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng tồn tại và phấn đấu vì lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Các tổ chức Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp”.

Trên thực tế, cũng như thời kỳ Hiến pháp năm 1959, ngoài Đảng cộng sản Việt Nam còn có Đảng Dân chủ và Đảng Xã Hội. Tuy nhiên đến năm 1988, hai Đảng này đã tuyên bố tự giải thể do đã “kết thúc sứ mạng lịch sử” của mình?! (kể cũng lạ, nếu “hoàn thành sứ mạng lịch sử giải phóng dân tộc” khỏi ách của thực dân Pháp thì lẽ ra phải tự giải thể từ năm 1954 khi Hiệp định Genève được ký kết mới phải, còn nói “sứ mạng lịch sử xây dựng Chủ nghĩa xã hội đã hoàn thành” thì rõ là lộng ngôn! Không lẽ “sứ mạng lịch sử” lại là tồn tại chừng nào Đảng cộng sản Việt Nam cần?!).

Kiến nghị

Bất luận thế nào thì việc Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội tự giải thể hoàn toàn độc lập với sự ra đời của các đảng phái chính trị khác trong tương lai hay nói cách khác, không đồng nghĩa chấm dứt chế độ “đa đảng” ở Việt Nam.

Tóm lại, không có bất cứ Hiến pháp nào của Việt Nam quy định Đảng cộng sản Việt Nam và những tiền thân của đảng là đảng phái chính trị duy nhất cũng như trên thực tế đã có nhiều đảng phái chính trị khác, hoặc đối lập, hoặc “anh em”, hoạt động song song.

Như vậy, chế độ “đa đảng” là sự lựa chọn chính trị bất biến của toàn thể nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm thiết lập thành công nền Dân chủ Cộng hòa.

Nói cách khác, Dân chủ đồng nghĩa với Đa Đảng, càng có nhiều đảng phái chính trị tham gia tranh cử Quốc Hội một cách sòng phẳng thì Dân chủ càng cao!

Ông Cù Huy Hà VũÔng Cù Huy Hà Vũ cho rằng Hiến pháp Việt Nam không cấm đa đảng

Vấn đề còn lại là làm thế nào để vận hành chế độ “đa đảng” nhằm tránh tình trạng các đảng phái “tự xưng”, tức bất cần sự thừa nhận của luật pháp, dẫn đến tình trạng “vô chính phủ” về chính trị – một kẻ thù khác của nền Dân chủ ngoài chế độ cực quyền các kiểu.

Muốn vậy thì hãy bắt đầu bằng bổ sung Hiến pháp quy định đăng ký bắt buộc đối với đảng phái chính trị (không đăng ký thì không được phép hoạt động, tựa đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp) cùng lúc với quy định Tòa án tối cao là nơi đăng ký đảng phái chính trị cũng như quy định thiết lập Tòa án Hiến pháp hay Tòa Bảo Hiến nhằm xét xử các hành vi vi phạm Hiến pháp.

Chẳng hạn đảng phái chính trị nào cho dù đã đăng ký mà có chủ trương bằng văn bản hoặc hành vi dùng vũ lực để giành chính quyền hoặc tấn công các đảng phái chính trị hợp pháp khác lập tức sẽ bị Toà án Hiến pháp đặt ra ngoài vòng pháp luật và các thành viên của đảng đó sẽ bị các cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố và truy tố về “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại Điều 79 hoặc/và “Tội khủng bố” quy định tại Điều 84 Bộ Luật hình sự!

Cũng như vậy, đảng phái chính trị nào mà có chủ trương bằng văn bản hoặc có hành vi ngăn cấm đảng phái chính trị hợp pháp khác cũng sẽ bị Toà án Hiến pháp “rút phép thông công”, cấm chỉ hoạt động.

Kết luận lại, cho đến thời điểm này đối với cơ quan công an và công tố Việt Nam thì Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Lê Thăng Long dứt khoát có tội vì các tổ chức mà những người này thành lập hoặc tham gia là các “tổ chức phản động” chứ không phải là các “đảng phái chính trị” được nhìn nhận hợp pháp.

Oái ăm thay, có đỏ mắt cũng chẳng tìm đâu ra “tổ chức phản động” hay “phản động” không chỉ tại Điều 79 mà ngay cả suốt dọc Bộ Luật hình sự hiện hành của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong khi một trong những nguyên tắc tối cao của Nhà nước pháp quyền là các cơ quan tư pháp chỉ được quyền điều tra và xét xử những gì được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật.

Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một tiến sỹ luật tại Hà Nội, không phải của BBC. Thư từ góp ý hay chia sẻ ý kiến, xin quý vị gửi về vietnamese@bbc.co.uk

Đưa chống tham nhũng vô nhà trường: Coi chừng “gậy ông đập lưng ông”

Vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã phê duyệt Ðề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng. Chống tham nhũng không chỉ là quyết tâm chính trị mà đang xây dựng thành văn hóa sống của toàn dân.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề án đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào dạy trong học đường cho học sinh, sinh viên theo tôi là không nên. Chúng ta cứ thử đặt câu hỏi rằng đối tượng tham nhũng là ai? Câu trả lời là chỉ có quan chức có chức có quyền thôi. Vậy thì cứ nhắm thẳng vào đối tượng này để tìm giải pháp đi.

Thật ra muốn chống tham nhũng không khó. Chúng ta đã xác định được những lĩnh vực chủ yếu dễ phát sinh tham nhũng (như nhà đất, thuế, hải quan…). Vấn đề còn lại là phải có cơ chế sao để chống tham nhũng hiệu quả. Nếu xem chống tham nhũng là một cuộc cách mạng thì phải có một cơ chế đặc biệt, có một ủy ban tương đối độc lập với Chính phủ (ủy ban này có thể thuộc Quốc hội) để giám sát, phát hiện tham nhũng và có quyền xử lý. Theo cơ chế hiện nay, người đứng đầu chính quyền làm trưởng ban phòng, chống tham nhũng là không phù hợp, vì các vị trí trong bộ máy chính quyền là đối tượng nắm quyền lực dễ bị mua chuộc, phải là những người cần được lưu tâm bảo vệ phòng, chống tham nhũng. Nếu bản thân người được giao trách nhiệm chống tham nhũng cũng tham nhũng, làm sao họ dám chống? Thành ra mấy năm nay việc chống tham nhũng cứ giậm chân tại chỗ, thậm chí tham nhũng càng tăng. Tôi có cảm giác người ta cứ nói chống tham nhũng để chơi thôi chứ còn nếu quyết tâm làm thiệt thì bằng cách hình thành ủy ban đặc biệt có tư cách độc lập, có quyền giám sát, xử lý là xong hết.

Ðại lộ Ðông Tây – công trình liên quan tới vụ PCI nhiều tai tiếng.

Tôi hiểu Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn hình thành một văn hóa phòng, chống tham nhũng ngay từ lớp trẻ, là những người quản lý đất nước trong tương lai. Họ muốn tạo ra một xã hội có những công dân có ý thức chống tham nhũng. Vậy thì đâu cần phải đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào dạy cho học sinh, sinh viên? Đâu cần phải đặt vấn đề trực diện như thế? Bây giờ xã hội có nhiều cái quan tâm như phân hóa giàu nghèo, bất công… cứ đưa vào hết vậy chỗ nào chứa? Sức đâu các em học cho nổi? Văn hóa chống tham nhũng được hình thành từ việc giáo dục đạo làm người, dạy cho học sinh biết trung thực, có lòng tự trọng để khi ra đời họ không làm gì trái với lương tâm, trong đó có việc không tiếp tay cho tham nhũng, biết từ chối cám dỗ của những đồng tiền sai trái. Mà cái này thì trong môn giáo dục đạo đức công dân ở trường đã có rồi. Tôi thấy giáo dục của mình nặng về chính trị quá trong khi giáo dục làm người rất ít. Ngay giáo dục về lịch sử mình cũng chỉ đặt nặng giai đoạn từ khi có Đảng thôi chứ trước đó biết bao nhiêu điều cần học. Thế hệ tôi được học nhiều về giáo dục đạo làm người, làm con trong gia đình phải hiếu thảo, làm dân một nước phải yêu nước. Chính cách giáo dục làm người đó khiến ta bất bình trước bất công của xã hội, đẩy mình đi theo cách mạng.

Trước tình hình phòng, chống tham nhũng giậm chân tại chỗ như đã nêu trên, nếu chúng ta đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào dạy trong trường học, không khéo “gậy ông đập lưng ông”. Khi học sinh đặt ngược lại vấn đề thì thầy cô không giải thích được. Ví dụ, một sinh hỏi giáo viên rằng nhà hàng xóm của nó có ông công chức lương tháng có 6 triệu đồng mà tiền đâu xây nhà mấy cái, cho con đi du học. Thầy giáo làm sao giải thích cho nó được, vì thầy giáo đâu biết được thu nhập của ông kia, ai công khai tài sản của vị kia cho mà biết? Điều đó sẽ khiến các em mất lòng tin, môi trường sư phạm sẽ bị phá vỡ. Bên cạnh đó, ngay trong môi trường sư phạm cứ đến mùa năm học mới là có “chạy” trường, đến ngày lễ, tết thì phụ huynh còn quà cáp cho giáo viên, tình trạng “buộc” học sinh phải học thêm…thì việc dạy lý thuyết sẽ phản tác dụng.

Tóm lại, theo tôi, chẳng cần phải hình thành văn hóa chống tham nhũng trong học đường làm gì, cứ giải quyết cho hiệu quả những vụ tham nhũng trên thực tế đi, xử lý thật nghiêm đi, đó sẽ là bài học cho mọi người tự rút ra cách sống cho mình khỏi tham nhũng.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh:

Chống tham nhũng là quyết tâm của Ðảng và nhà nước

Chống tham nhũng là quyết tâm chính trị của Đảng và nhà nước ta. Việc chống tham nhũng phải được tiến hành kiên trì, bền bỉ, lâu dài và cần có nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành và toàn dân. Những vụ việc, biểu hiện tiêu cực nếu được phát hiện sớm và xử lý kịp thời ngay từ cơ sở thì công tác phòng, chống tham nhũng của cả nước sẽ có chuyển biến tốt. (Phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 1 và tỉnh Thái Nguyên ngày 4-12-2009)

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết

Chống tham nhũng là vấn đề sinh tử của chế độ và Ðảng

“Đây là vấn đề sinh tử của chế độ và Đảng. Vì vậy phải tăng cường quản lý, tăng cường giám sát để công tác phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả cao hơn. Đảng và nhà nước đã khẳng định người có trách nhiệm càng cao thì phải chịu trách nhiệm nhiều hơn!”. (Phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri quận 3 – TP.HCM ngày 8-10- 2009)

Ông LÊ HIẾU ÐẰNG, Nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQ TP.HCM

CẤM QUÀ TẾT? LỆNH CẤM “VÔ DUYÊN”

Nếu ai đã đọc “lệnh” cấm quà Tết của Chủ tịch TP Hà Nội thì cũng nên đọc bài này.

Gần Tết, hết thành này tỉnh nọ tuyên bố “cấm” quà Tết. Miệng thì cấm đấy. Nhưng sau Tết, tổng kiểm lại, anh nào quên lỡ không “thăm” thì năm này coi như… hốc cám! Đó là sự thật mà ai cũng biết, anh nào muốn yên phận làm ăn lại càng phải biết.

Mấy ngày giáp Tết, nhìn những hàng xe nối nhau xếp hàng dằng dặc trước dinh thự của Bí thư, Chủ tịch 63 tỉnh thành sẽ biết lệnh cấm này hiệu lực đến đâu. Tôi có gợi ý nhỏ, chỉ blog mới chơi được, chứ báo chí chắc chẳng “thằng” nào dám đăng: Bạn đọc nào thử chịu khó phục trước tư dinh của bất kỳ một ông bà Bí thư, Chủ tịch tỉnh thành nào trong mấy ngày giáp Tết, quay lại cảnh ô tô rồng rắn xếp hàng đợi đến lượt vào “thăm”, đưa cảnh này lên blog chắc sốc lắm đấy!

Hôm trước đọc báo nghe đài thấy ông Chủ tịch Hà Nội phát lệnh cấm mà… phì cười. Định viết mấy dòng nhưng cuối năm bận. Thấy bài “Nghiêm cấm- vô duyên” của Nguyễn Quang A trên Tiền Phong sáng nay nói được ý này. Post lại lên đây, bởi biết đâu nhiều người chỉ đọc blog chứ không đọc báo- TDN

“NGHIÊM CẤM”- VÔ DUYÊN!

TP – Lúc mới lên chức, sau Tết, một ông chủ tịch thành phố Hà Nội gương mẫu nộp cả tỷ đồng tiền quà biếu vào công quỹ. Các năm sau chẳng thấy ông tiếp tục gương mẫu nữa.

Năm nay, Tết Nguyên đán sắp đến, ông Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đương nhiệm chỉ thị cho các cấp, ngành, cơ quan về việc tổ chức Tết Canh Dần, trong đó có yêu cầu không tổ chức đi chúc tết, tặng hoa lãnh đạo các cấp.

Đấy là việc làm có trách nhiệm của người lãnh đạo nhắc nhở các cấp dưới của mình. Bà con nhớ theo dõi xem các quan nhỏ có đi chúc tết, tặng hoa cho các cấp trên của họ (và kèm cái gì nữa thì chỉ có họ và trời mới biết) hay không, để giúp ông chủ tịch thực thi chỉ thị rất hay này (nhưng cũng cũ như chỉ thị tương tự của bao chủ tịch trước đây).

Tuy nhiên trong chỉ thị đó có một điểm khá vô duyên. Đó là “nghiêm cấm sử dụng tiền, tài sản nhà nước của tập thể, tài sản có nguồn gốc từ ngân sách, từ công quỹ để thưởng, biếu, tặng cho các tổ chức hoặc cá nhân dưới mọi hình thức không đúng chế độ quy định của Nhà nước“.

Những hành vi đó là các hành vi phạm pháp, phạm tội phải bị trừng trị nghiêm khắc. Ngay cả lấy tiền của doanh nghiệp (tư nhân hay quốc doanh) hay tiền riêng để biếu xén như vậy cũng phải cấm.

Những ai nhận các khoản tiền biếu trái quy định còn nặng tội gấp nhiều lần kẻ đưa biếu. Có đầy các loại luật của nước ta nghiêm cấm các hành vi đó rồi, ông chủ tịch không cần nghiêm cấm nữa.

Ông chủ tịch không cần làm lại luật. Ông thuộc nhánh hành pháp. Kín kẽ hơn, nếu ông nhắc lại các điều luật và bảo các cấp dưới rằng làm thế thì cơ quan tư pháp sẽ xích tay họ lại và nghiêm trị.

Giá mà các quan chức và các cơ quan nhà nước nghiêm túc chấp hành luật do chính họ đề ra thì ông chủ tịch đã chẳng phải mất công ra chỉ thị nghiêm cấm.

Đâu chỉ có ông chủ tịch đương nhiệm của Hà Nội, trước ông, các vị chủ tịch khác cũng làm thế. Và đâu chỉ có Hà Nội, Tiền Giang, Long An, v.v, cũng có quy định tương tự.

Tưởng rằng nghiêm cấm là đúng trách nhiệm của mình. Nhưng hóa ra đấy là sự hiểu lộn chức năng. Các ông thuộc ngành hành pháp, hãy thi hành, và buộc cấp dưới của mình thi hành nghiêm các quy định pháp luật sẵn có. Chấm hết.

Các ông chủ tịch với tư cách trưởng ban phòng chống tham nhũng địa phương hãy chỉ thị cho bộ máy của mình, nhắc nhở các cơ quan công an, tư pháp làm tốt việc của họ và thẳng tay với những kẻ lấy tiền có nguồn gốc ngân sách đi biếu xén, thẳng tay với các quan nhận tiền.

Họ có dám làm không? E hơi khó. Vì họ cũng là quan, họ cũng là cấp dưới. Tại sao chúng ta hô hào quá nhiều, chỉ thị quá nhiều mà đâu vẫn hoàn đấy? Phải sửa cái lỗi ở đâu để có cơ hội chống tham nhũng mà biếu xén dịp tết chỉ là một phần?

Có ý kiến cho rằng, có chỉ thị, có nhắc nhở, có nghiêm cấm vẫn hơn không. Thực ra không hoàn toàn như vậy. Lẫn lộn chức năng khiến cả quan lẫn dân tư duy không rành mạch, tinh thần thượng tôn pháp luật bị xói mòn (nói chi đến được xây dựng).

Mà tư duy rành mạch, sự thượng tôn pháp luật, gây dựng lòng tin lại là một trong các nhân tố quan trọng nhất để phát triển xã hội.

Ban hành quy định nghiêm cấm có lẽ nó làm cho các vị chủ tịch yên tâm hơn: Đấy, tôi đã nhắc, tôi đã chỉ thị rồi. Vẫn để xảy ra là chuyện của cấp dưới, của người khác. Cái khía cạnh thủ này có thể rất hữu ích, trong năm diễn ra đại hội các cấp này.

Hãy thử để mắt theo dõi trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới và cả năm sau, xem các chỉ thị loại này có kết quả đến đâu. Sự quan tâm, theo dõi của người dân chắc có thể giúp chính quyền cải thiện được tình hình, sẽ giúp xã hội tiến lên và như thế là rất đáng làm.

(NGUYỄN QUANG A) Đăng trên báo Tiền Phong (Có bình luận của Trương Duy Nhất)