Từ chuyện con Mèo ở Anh nhìn lại trẻ em Việt Nam


Em Hào Anh đã bị hành hạ đầy thương tích như thế này - Ảnh: Châu Anh Dũng

Ngày 21/09/2010 trên báo Dân Trí trích dẫn tin từ nguồn tin AP rằng ở  Anh: Buộc tội người phụ nữ ném mèo vào thùng rác.

Theo tin này thì Bà Mary Bale hồi tháng 8 đã bị “bắt quả tang” ném con mèo Lola 4 tuổi vào thùng rác, đóng nắp thùng lại và thản nhiên bỏ đi. Hành động của bà này đã bị các camera an ninh ghi lại.

Hành động của bà Mary Bale  đã bị Tổ chức bảo vệ động vật hoàng gia (RSPCA) của Anh đã buộc tội bà Bale, một nhân viên ngân hàng 45 tuổi, phạm 2 tội danh hành động độc ác với động vật.

Và với hành động này bà Bale sẽ phải ra toà tại Coventry, miền trung nước Anh vào ngày 19/10 tới với các cáo buộc gây tổn thương vô cớ cho một con mèo và không cung cấp môi trường thích hợp cho động vật.

Cả hai tội danh trên, theo Luật quyền lợi động vật, đều có thể bị phạt tù và bị cấm nuôi giữ động vật suốt đời.

Đọc dòng tin nhỏ này tôi cảm thấy rằng nếu ở Việt Nam, một ai đó có hành động tương tự như bà Bale sẽ chẳng ai quan tâm, chứ đừng nói đến bị phạt tù.

Ở nước Anh thì vậy, còn ở Việt Nam ta thì sao?

Hàng ngày, các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên phát hiện những sự việc liên quan đến bạo hành đối với trẻ em. Từ những hành vi thô bạo, đánh đập, hành hạ đến những hành động áp bức, bóc lột sức lao động người chưa đến tuổi lao động.

Điển hình trong những hành vi hành xử thô bạo đối với trẻ em có Quảng Thị Kim Hoa đánh học sinh mầm non tại TP Biên Hòa hay vụ hành hạ bé Hào Anh tại Cà Mau đã làm rúng động dư luận và mới đây nhất là trường hợp bé Như Ý tại Đồng Tháp. Nghiêm trọng hơn, còn có trường hợp đánh và tra tấn trẻ em đến chết mà đến cả mẹ đẻ cũng không bảo vệ được con như trong trường hợp thiệt mạng của em Nguyễn Phương Linh, 6 tuổi, con đẻ của bà Nguyễn Thị Ánh Dương do hành vi tàn độc của bố dượng trú tại khu Quán Nam, quận Lê Chân, Hải Phòng. Đặc biệt có trường hợp đốt xác bẻ tay của hai em nhỏ tiểu học tại Đăk Lăk…

Ngoài ra, hiện tượng bóc lột sức lao động của trẻ em cũng thường xuyên xảy ra tại các thành phố lớn, đặt biệt trong các cơ sở kinh doanh cá thể.

Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh Xã hội TP HCM, Trong số 10.351 trẻ em lang thang và bị lạm dụng sức lao động: 48,62% có nguồn gốc tại thành phố, 51,38% tại các tỉnh 49,69%: kiếm sống trên 8 giờ một ngày 52,51% không tham gia học tập.

Hiện nay chưa có thống kê chính thức về tình trạng bạo hành đối với trẻ em, những hành vi thô bạo với trẻ em đã bị phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà thôi.

Việc bạo hành đối với trẻ em vẫn tiếp tục diễn ra, nguyên nhân sâu xa chính là những chuẩn mực đạo đức xã hội xuống cấp, do đó ngoài việc cần có khung pháp lý đủ mạnh mang tính răn đe thì việc đào tạo, bồi dưỡng lối sống, đạo đức cần được nhân rộng.

Nếu chỉ xử lý vụ việc theo kiểu bắt cóc bỏ đĩa, chỉ chữa triệu chứng mà không giải quyết vấn đề từ gốc thì chắc chắn chúng ta sẽ lại chứng kiến những vụ bạo hành trẻ em dã man khác.

Chuyện con mèo ở Anh vô tình lại trái ngược hoàn toàn với rất nhiều trẻ em tại Việt Nam.

  • Da Vàng

Bình luận về bài viết này